Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.
Người mất tiền oan, ảnh hưởng sức khỏe có đủ thành phần trong xã hội, bất kể giàu hay nghèo, người khỏe hay người đang mắc bệnh trọng, trẻ thơ cho đến người già. Bởi vì, ai cũng cần chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Chỉ trong vòng hơn mười ngày cuối tháng 4, lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá nhiều đường dây sản xuất sữa, thuốc và thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Hàng chục đối tượng đã bị bắt tạm giam vì liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Trước đó, hôm 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt 8 đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả. Thật kinh hoàng, khi có tới 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 hộp sữa là hàng giả!
Các đối tượng làm hàng giả hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Khi trong sữa bột có hàm lượng các chất dinh dưỡng chính dưới 70% so với công bố thì có đủ căn cứ xác định đích thị đây là hàng giả. Mặc dù có thể người dùng chưa thấy biểu hiện cụ thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Sau sữa là thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Qua theo dõi, khám xét tại nhiều sơ sở đã thu giữ 21 loại thuốc giả (phần lớn là tân dược và thuốc xương khớp). Một số sản phẩm được quảng cáo ì xèo rằng đây là thuốc tốt được nhập khẩu, nhưng nó đã được sản xuất tại Việt Nam với chất lượng rất thấp, phần lớn là nhóm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, và nguy hiểm nhất là dùng cho trẻ mới lọt lòng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số “thuốc” bị thu giữ cũng rất kinh khủng: gần 10 tấn. Được đường dây chuyên làm thuốc giả đã luồn lách đưa qua các nhà thuốc và bán qua mạng xã hội, thu lợi bất chính gần 200 tỉ đồng.
Cùng với thuốc giả, đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả cũng đặc biệt liều lĩnh. Hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả đã bị triệt phá. Và để hấp dẫn người tiêu dùng, chúng cũng gắn mác nhập khẩu từ Mỹ, từ các nước châu Âu, nhưng thật ra đều có xuất xứ Trung Quốc, chất lượng chỉ đạt dưới 30% so với quảng cáo trên bao bì.
Khi nỗi sợ về nạn sữa giả, thuốc giả còn chưa lắng xuống thì đúng vào kỳ nghỉ kéo dài nhân lễ 30/4 và 1/5 lại tái diễn tình trạng “chặt chém” du khách. Tin tức mấy ngày qua râm ran trên báo chí và mạng xã hội, người dân rất bức xúc khi bị nâng giá lên hàng chục lần khi thuê phòng khách sạn ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Mặc dù khách đã cọc tiền đặt phòng trước cả tháng nhưng vẫn bị vô cớ móc túi.
Một ví dụ cụ thể, ngày 2/5, chị Thu Hương (Hà Nội) cho biết, ngay đầu tháng 4 chị đã chủ động đặt phòng qua app Booking.com với giá gần 11 triệu đồng tại khách sạn Saigon Premium Hotel, ở số 260 Lý Tự Trọng, quận 1. Tưởng thế là yên tâm, nhưng khi xuống sân bay, về khách sạn làm thủ tục, chị Hương “ngã ngồi” khi nhân viên đột ngột báo hết phòng và yêu cầu thuê phòng với giá gần 40 triệu đồng. Chủ khách sạn đã “chém đẹp” khi tùy tiện nâng giá lên 4 lần!
Đó là chuyện “ở”, còn chuyện “ăn” cũng đau đầu không kém. Một quán ăn dạng bè nổi tại vịnh Nha Trang bán cá bò hòmvới giá trên trời: 3,5 triệu đồng/kg. Một thực khách kể rằng, họ chỉ gọi 0,5 kg nhưng bị tính đến 1,75 triệu đồng. Các món khác cũng đều bị nâng giá gấp đôi, gấp ba. Hai người ăn đã cay đắng nhận cái hóa đơn thanh toán gần 2,8 triệu đồng.
Sau khi dư luận phản ánh, UBND TP Nha Trang vào cuộc, bà T.H. - chủ bè nổi nêu trên - không dám chối cãi. Bà này cố thanh minh thanh nga rằng, quán phải tăng giá là vì phải trích 30% “hoa hồng” cho những người lái ca nô đưa khách đến bè, đây là quy ước ngầm lâu nay (!).
Tại sao nạn hàng giả nói chung, thuốc giả và tình trạng “chặt chém” mỗi dịp lễ lớn cứ như căn bệnh kinh niên trong xã hội, dẹp xong, tạm lắng một thời gian lại bùng dậy? Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân và sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Cần nói thẳng rằng, chúng ta đang thiếu sự giám sát và chế tài nghiêm minh.Nhiều khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, hoặc có nhưng thực thi chưa nghiêm. Một số nơi, việc kiểm tra chỉ mang tính hình thức, xử phạt nhẹ hoặc, thậm chí có tình trạng “bao che”. Tình trạng sữa giả, thuốc giả lọt vào bện viện, “lọt” vào cả đơn thuốc của bác sĩ là không thể chấp nhận.
Đối tượng xấu làm hàng giả, thuốc giả, rồi “chặt chém” khách hàng khi làm dịch vụ thường mang lại lợi nhuận rất cao, trong khi khả năng bị phát hiện và xử lý lại thấp. Điều này khiến kẻ táng tận lương tâm bất chấp đạo đức và pháp luật. Trong khi đó người tiêu dùng thiếu thông tin và kỹ năng phản ánh. Nhiều người không biết cách tố cáo, khiếu nại hoặc e ngại phiền phức, dẫn đến việc vi phạm không bị phát hiện kịp thời.
Về cơ chế quản lý cũng còn nhiều lỗ hổng. Đó là sự chồng chéo trong quản lý giữa các ngành, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” dẫn đến thiếu sự phối hợp trong kiểm tra, giám sát thị trường. Muốn sửa khuyết điểm này cần phải kiểm tra thật sự, xử phạt thật sự, nghiêm minh và công khai, bỏ ngay lối thành lập các đoàn kiểm tra để đối phó.
Bên cạnh đó, tạo cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả.Kết nối chặt chẽ giữa quản lý thị trường, y tế, công an, chính quyền địa phương để giám sát và xử lý kịp thời. Khuyến khích báo chí và người dân cùng giám sát. Lúc này vai trò của truyền thông và mạng xã hội là rất quan trọng trong việc phát hiện, phản ánh nhanh chóng các trường hợp vi phạm.
Đối với khách hàng sử dụng hàng hóa thuốc, thực phẩm, sử dụng dịch vụ du lịch không nên quá tin tưởng vào lời giới thiệu từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên không gian mạng. Cần chọn thương hiệu (sữa, thuốc, thực phẩm chức năng) uy tín, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc uy tín, có giấy phép và địa chỉ rõ ràng. Khi nguồn gốc không rõ ràng (chợ, hàng rong, mạng xã hội, livestream...) thì dứt khoát không mua. Đối với các loại thực phẩm chức năng được Cục An toàn thực phẩm cấp phép thì mới mua và sử dụng. An toàn nhất vẫn là đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Chớ để tình trạng nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.
Hải Đường