Kinh hoàng sinh vật ký sinh 'đuôi heo' tấn công cá biển sâu gần Nam Cực

Kinh hoàng sinh vật ký sinh 'đuôi heo' tấn công cá biển sâu gần Nam Cực
8 giờ trướcBài gốc
Trong một chuyến thám hiểm đến quần đảo South Sandwich, gần Nam Cực, nhóm nghiên cứu từ Viện Hải dương học Schmidt đã ghi hình được một sinh vật kỳ lạ và rùng rợn: Hai con ký sinh trùng copepod đang bám chặt hai bên đầu của một con cá đuôi chuột (thuộc chi Macrourus) ở độ sâu gần 500 mét dưới biển.
Điều khiến hình ảnh trở nên kỳ dị hơn là những túi trứng dài ngoằn gắn sau lưng ký sinh trùng, khiến đầu con cá trông như đang... để tóc đuôi heo.
Con cá đuôi chuột được quay cảnh đang bơi ngoài khơi quần đảo Nam Sandwich với một cặp ký sinh trùng bám vào hai bên đầu.
Loài ký sinh này có tên khoa học là Lophoura szidati, thuộc họ Sphyriidae, thường sống bám trên cơ thể các loài cá biển sâu trong vùng Nam Đại Tây Dương và Nam Cực. Chúng dùng bộ phận miệng như những chiếc cào sắc nhọn để đâm xuyên vào cơ bắp vật chủ, hút máu và dịch thể để sống.
“Chúng là ký sinh trung gian — nghĩa là một phần cơ thể ở trong, một phần ở ngoài vật chủ,” nhà sinh học tiến hóa James Bernot từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian cho biết.
Theo ông Bernot, phần đầu của copepod cắm sâu vào trong cơ thể cá, trong khi phần thân và túi trứng nổi lềnh bềnh bên ngoài. Đáng chú ý, mỗi con ký sinh mang theo một cặp túi trứng chứa hàng trăm quả — và chúng chăm sóc trứng kỹ lưỡng cho đến khi nở thành ấu trùng bơi lội, tiếp tục hành trình tìm kiếm vật chủ mới.
Cá đuôi chuột — thường gọi là cá grenadier — sống ở các vùng biển sâu lạnh giá từ Bắc tới Nam Đại Tây Dương và vùng Nam Cực. Dù sống ở nơi hẻo lánh, chúng vẫn không tránh khỏi trở thành mục tiêu của loài ký sinh khát máu này.
Đoạn video do Viện Schmidt đăng tải nhanh chóng thu hút sự chú ý từ cộng đồng khoa học và công chúng vì sự kết hợp kỳ quái giữa vẻ ghê rợn và cấu trúc sinh học đặc biệt.
Hiện tại, hiểu biết của giới khoa học về vòng đời và tuổi thọ của L. szidati vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, một khi đã bám vào vật chủ, chúng có thể sống trong nhiều tháng — và thậm chí sau khi chết, phần đầu của chúng vẫn còn lưu lại trong cơ thể cá suốt nhiều năm.
Một minh chứng sống động cho thấy: dù ở tận cùng đáy đại dương, sự sinh tồn và cạnh tranh vẫn diễn ra khốc liệt và kỳ lạ đến mức không tưởng.
Như Ý (Live Science)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kinh-hoang-sinh-vat-ky-sinh-duoi-heo-tan-cong-ca-bien-sau-gan-nam-cuc/20250423061736060