Một góc dòng Kinh Hội.
Theo tư liệu gia phả của gia đình ông Dư Minh Chiến, tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (ông Chiến là cháu nội của ông Dư Thanh Trực - một người có dấu ấn trong lịch sử đào con kênh này), thì vùng đất hai bên rạch Ông Trang xưa kia là vùng đất hoang vu, nhiều cỏ dại, năn sậy mọc um tùm, xen lẫn những gò cao chạy dài nối rừng tràm U Minh Hạ. Gia đình ông Ðỗ Khắc Thành, vốn là người Bạc Liêu, sớm nhận ra tiềm năng của vùng đất này. Với tư duy nhạy bén và ý chí khai phá mãnh liệt, ông cùng hơn 300 nhân công đã miệt mài đào nên dòng kênh mới thẳng tắp, rộng 4 m, dài 10 km, trong khoảng thời gian từ năm 1903-1906. Con kênh ấy đè lên dòng rạch Ông Trang nhỏ hẹp, uốn lượn ngày nào, tạo nên một mạch sống mới cho vùng đất.
Cùng thời điểm đó, ông Dư Thanh Trực, một người từ Sài Gòn, Gia Ðịnh đi tìm vùng đất mới lập nghiệp, cũng dừng chân tại Cà Mau. Ðược gia đình ông Ðỗ Khắc Thành tin tưởng, ông Trực nhận nhiệm vụ trông coi việc đào kênh. Quá trình khai phá diễn ra nhộn nhịp, đông vui như hội, người dân xung quanh quen miệng gọi dòng kênh mới là Kinh Hội.
Kinh Hội không chỉ là thành quả lao động, mà còn là chứng nhân của tình bạn gắn kết giữa hai con người tiên phong. Ông Ðỗ Khắc Thành và ông Dư Thanh Trực dần trở thành bạn bè thân thiết, kết nghĩa cột chèo. Sau này, toàn bộ đất đai vùng Kinh Hội được gia đình ông Thành giao lại cho ông Trực quản lý, định cư lâu dài.
Không dừng lại ở việc mở đất, gia đình ông Dư Thanh Trực tiếp tục khẳng định dấu ấn của mình trong lịch sử khi các con ông tích cực tham gia cách mạng chống Pháp. Người con cả là Dư Văn Cấu, chiến sĩ Vệ quốc quân, đã anh dũng hy sinh năm 1946. Người con thứ hai là Dư Văn Liễn, giữ cương vị Chủ tịch xã An Bình từ năm 1950-1953, dẫn dắt người dân chia đất, cải tạo hai bên dòng kênh, ổn định cuộc sống.
Người dân Kinh Hội từ xưa đến nay luôn mang trong mình tinh thần chịu thương chịu khó, chân chất và hiếu khách. Theo lời kể của nhiều cụ già trong vùng, những năm đầu khai phá, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về, dựng nhà, lập xóm. Ban ngày họ cùng nhau ra đồng, làm ruộng, bắt cá, tối đến lại quây quần bên ánh đèn dầu, kể nhau nghe những chuyện đời, chuyện người. Họ xem nhau như người trong một nhà, có miếng ngon cùng chia, có khó khăn cùng gánh.
Ở vùng Kinh Hội ngày nào là nơi còn hoang hóa, giờ đã đổi thay, nhiều ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông thẳng tắp, sạch đẹp.
Kinh Hội còn gắn liền với nhiều câu chuyện truyền miệng, giai thoại dân gian đầy màu sắc. Người dân kể lại rằng, khi ông Dư Thanh Trực nhận nhiệm vụ trông coi việc đào kênh, ông đã từng mơ thấy một con rồng vàng bay lượn trên khúc sông, rồi lao xuống dòng nước. Sau giấc mơ ấy, việc đào kênh thuận lợi hơn hẳn. Dòng nước luôn đầy, đất đai hai bên phì nhiêu, cây lúa, cây tràm mọc xanh mướt. Người ta bảo nhau rằng đó là dấu hiệu đất lành, nơi tụ hội sinh khí trời đất.
Cũng có giai thoại kể về một người thợ đào kênh tên là Ba Quảng. Ông nổi tiếng vì sức khỏe phi thường, có thể vác 2 bao đất cùng lúc mà không hề mệt. Khi kênh gần đào xong, ông không may bị bệnh nặng. Trước lúc mất, ông chỉ tay về hướng dòng kênh, dặn lại bà con: "Kênh này sẽ sống lâu như lòng người đất này. Phải giữ nó, phải thương nó". Từ đó, người dân xem ông như vị thần hộ mệnh của Kinh Hội, lập miếu nhỏ ven bờ để tưởng nhớ.
Về lễ hội, hằng năm người dân Kinh Hội vẫn giữ tục lệ rước ghe trên sông vào dịp xuân. Ghe được trang trí rực rỡ, đi dọc dòng kênh mang theo lễ vật, cầu mong mùa màng thuận lợi, cá tôm đầy ắp. Những điệu hò, câu hát đậm chất sông nước vẫn vang vọng mỗi mùa lễ hội, làm ấm lòng bao thế hệ.
Trải qua hơn 120 năm, Kinh Hội vẫn miệt mài chở nặng phù sa, xóa đi những vùng đất hoang hóa. Nhờ dòng nước mạnh thoát úng, xổ phèn mà cánh đồng đầy cỏ dại, năn sậy ngày nào giờ trở thành những ruộng lúa trĩu hạt, những vuông tôm bạc tỷ.
Không chỉ mang lại nguồn sống về kinh tế, Kinh Hội còn là biểu tượng của sự đoàn kết, kiên cường của người dân Cà Mau. Ðó là nơi lưu giữ những câu chuyện khai phá đất hoang, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Ngày nay, Kinh Hội không chỉ là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền sông Ông Ðốc với rừng U Minh Hạ mà còn là điểm đến đầy tự hào của người dân Cà Mau. Mỗi lần nhắc đến Kinh Hội, người dân nơi đây vẫn kể lại với niềm xúc động và tự hào về một dòng kênh của tình người, của văn hóa, của lịch sử, nơi hội tụ dòng chảy thời gian và ý chí con người./.
Hoàng Vũ