Ảnh minh họa
“Bình dân học vụ số” là nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý, vận hành; kết nối với các nền tảng số khác nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đây là một việc làm quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS); hưởng ứng thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”.
Tại buổi lễ, Thủ tướng nhắc lại, 80 năm trước, năm 1945, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, “giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm (cùng với “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”), phong trào “Bình dân học vụ” ra đời với mục tiêu cấp bách xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; do đó, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Sau khi phong trào “Bình dân học vụ” được phát động, chỉ trong thời gian ngắn, hàng triệu người đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Hiệu quả, kinh nghiệm từ phong trào “Bình dân học vụ” đã được nhiều tài liệu, sách vở ghi lại. Có những câu chuyện dung dị nhưng đáng nhớ về thời kỳ này, như ở một số phiên chợ, sẽ dựng cổng chào ở lối ra vào. Ai muốn vào chợ, phải đọc được dòng chữ ghi trên cổng. Từ những việc làm đơn giản nhưng vô cùng thiết thực và có sức truyền cảm hứng như vậy, “giặc dốt” đã bị đẩy lùi, tiêu diệt.
80 năm sau, KHCN,ĐMST&CĐS là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay, gắn liền với xã hội số, quốc gia số, công dân số toàn diện, toàn trình. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn phát triển mới, để ai cũng có thể tiếp cận internet, các dịch vụ công trên ứng dụng điện thoại, các tiện ích số trong cuộc sống, việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số” là rất ý nghĩa. Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ được truyền cảm hứng và kế thừa, phát huy từ phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động; mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Đây là một sáng kiến giáo dục, còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai”.
Với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”; phương châm “triển khai nhanh chóng - kết nối rộng khắp - ứng dụng thông minh”; nhất định phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ thu được những kết quả rực rỡ như cha ông chúng ta đã thành công 80 năm trước đây.
Huỳnh Ngọc Hiếu