Nhân viên hướng dẫn người dân đưa xe điện vào điểm sạc pin tập trung ở thành phố Giao Châu, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Nhiều địa phương cấm, hạn chế xe máy xăng
Với ưu thế nhỏ, gọn, linh hoạt, phù hợp với lộ trình ngắn và vừa, đặc biệt là giá rẻ hơn nhiều so với ô-tô, xe máy xăng trở thành phương tiện đi lại được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, do điều kiện công nghệ, ý thức của người điều khiển phương tiện, hạ tầng giao thông, xe máy xăng đã bộc lộ những bất cập ở các thành phố lớn, đông dân cư như gây ô nhiễm môi trường, vi phạm luật giao thông, thậm chí gây tai nạn, ùn tắc giao thông...
Trước những tác động tiêu cực của xe máy xăng đối với đời sống, xã hội, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế phương tiện này. Năm 1985, cơ quan quản lý giao thông Bắc Kinh cho rằng, xe máy xăng là nguồn gây ô nhiễm không khí và bắt đầu thực hiện hạn chế xe máy xăng. Sau đó, chính sách này dần được áp dụng ở nhiều thành phố khác như Hàng Châu (năm 2002); Quảng Châu (2007)... Đến nay đã có hơn 200 thành phố ở Trung Quốc thực hiện chính sách hạn chế hoặc cấm xe máy xăng.
Tùy vào đặc điểm của từng địa phương, mức độ, phạm vi, thời gian, chủng loại xe máy xăng bị hạn chế hoặc cấm có khác nhau, chủ yếu được chia thành mấy nhóm sau: cấm 24/7 theo khu vực; cấm theo khung giờ ở đoạn đường nhất định; cấm dựa theo chủng loại xe và mức độ khí thải...
Năm 1991, thành phố Quảng Châu bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế đối với xe máy xăng, cụ thể từ tháng 10/1991, mỗi tháng chỉ cấp 500 biển số cho xe máy xăng; đến năm 1995 thì ngừng cấp biển số mới. Tháng 6/1996, Quảng Châu bắt đầu cấm xe máy lưu thông ở một số tuyến đường, và phạm vi ngày càng được mở rộng, đến năm 2007 thì cấm toàn bộ xe máy xăng.
Ưu và nhược điểm của chính sách cấm, hạn chế xe máy xăng
Việc thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế xe máy xăng cũng đã đem lại những hiệu quả nhất định. Cụ thể, số lượng tai nạn giao thông do xe máy gây ra giảm. Do xe máy xăng thường có phân khối lớn, tốc độ cao, cho nên tính ổn định và sự an toàn trong điều khiển phương tiện này không cao, cộng với hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt là các hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, cướp giật càng khiến rất dễ xảy ra tai nạn.
Chính việc kiểm soát và hạn chế tổng số lượng xe máy xăng tham gia giao thông cùng với các biện pháp khác đã giúp cải thiện rõ rệt tình trạng an toàn giao thông, khi các tiêu chí về số vụ tại nạn, mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn, số người chết hoặc bị thương đều giảm.
Do tính linh hoạt, thuận tiện của xe máy xăng, người điều khiển phương tiện này khi tham gia giao thông rất dễ có các hành vi vi phạm giao thông như chạy quá tốc độ, chở quá số người cho phép, đi ngược đường, đi không đúng làn đường, chuyển đổi làn và quay đầu xe tùy tiện... Chính những điều này làm cho tình trạng giao thông vốn đã chịu nhiều áp lực càng trở nên mất an toàn.
Việc cấm hoặc hạn chế xe máy không chỉ góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, mà còn giúp giải phóng không gian ở những khu vực, tuyến phố thường xuyên ùn tắc, để các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Nhân viên hướng dẫn người dân quét mã QR để sạc pin cho xe điện ở một điểm sạc pin ở thành phố Giao Châu, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Chính sách này cũng gián tiếp thúc đẩy giao thông xanh phát triển. Đó là sau khi chính sách có hiệu lực, người dân phải thay đổi phương thức đi lại cho các lộ trình ngắn và vừa chủ yếu bằng xe đạp, xe đạp điện hoặc xe buýt.
Hiệu quả tích cực từ chính sách cấm và hạn chế xe máy là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, điều này cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định.
Theo đó, chi phí đi lại của người dân sẽ tăng lên. Nhóm người sử dụng xe máy xăng ở Trung Quốc chủ yếu là những người có thu nhập thấp. Sau khi chính sách có hiệu lực, những người sử dụng xe máy xăng để đi lại sẽ phải thay đổi phương thức di chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, taxi, xe máy điện, ô-tô cá nhân, kéo theo đó là chi phí đi lại cũng phải thay đổi.
Theo một báo cáo nghiên cứu về chi phí đi lại của người dân Quảng Châu năm 2012 sau khi cấm xe máy xăng, tổng chi phí thời gian của người dân ở khu vực cấm xe máy quy đổi thành tiền tăng 3,01%, từ 10,98 tỷ nhân dân tệ lên 11,31 tỷ nhân dân tệ.
Đây là mức không lớn, nhưng đối với mỗi cá nhân đi lại bằng xe máy trước kia, thì chi phí bình quân mỗi lần đi lại sau khi cấm xe máy đã tăng tới 53,47%, từ 5,16 nhân dân tệ lên 7,92 nhân dân tệ.
Khuyến khích, hỗ trợ người dân mua xe điện mới
Để khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp hành chính, kỹ thuật như rút ngắn thời hạn sử dụng của xe máy, hỗ trợ tài chính cho đăng ký hủy xe máy trước hạn...
Trước kia, thời hạn sử dụng xe máy xăng là 13 năm tính từ ngày đăng ký cấp biển số xe. Tuy nhiên, Trung Quốc đã điều chỉnh rút ngắn “tuổi đời” xe máy xăng xuống còn 10 năm, nhưng có thể gia hạn thêm 3 năm, và trong 3 năm gia hạn này, cứ 6 tháng phải kiểm định xe một lần, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được lưu hành.
Khi đã đủ 13 năm thì bắt buộc phải đăng ký hủy xe hết hạn, đặc biệt là chủ xe sẽ được nhận hỗ trợ tài chính trong khoảng từ 300-6.000 nhân dân tệ cho việc đăng ký hủy xe hết hạn tùy từng địa phương, chủng loại xe, tiêu chuẩn khí thải và niên hạn đăng ký hủy xe, thậm chí còn được nhận thêm tiền thưởng cho việc đăng ký hủy xe trước hạn sớm nhất.
Trong khi đó, đối với xe máy điện, thời hạn sử dụng xe là 13 năm, tùy vào từng địa phương có thể cộng thêm khoảng 5% niên hạn sử dụng.
Hiện nay, một số thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu, Trung Sơn, Chu Hải đã ngừng việc cấp biển đăng ký xe máy xăng. Một số thành phố khác như Côn Minh, Ngọc Khê, Khúc Tĩnh... thì khi đăng ký biển số xe, chủ xe sẽ phải nộp thêm thuế tiêu thụ khoảng 10%. Có một số thành phố như Trùng Khánh, Thành Đô tuy không cấm xe máy xăng nhưng không cho phép xe máy xăng vào trung tâm thành phố, và mỗi năm lại đấu giá một số lượng nhất định giấy phép vào trung tâm thành phố.
Trong những năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ mua xe điện thông qua chính sách đổi cũ lấy mới. Theo đó, người dân khi đăng ký hủy xe điện sử dụng pin Lithium cũ và mua xe điện mới sử dụng pin axit chì hoặc pin Lithium thế hệ mới, hoặc cá nhân lần đầu mua xe điện mới theo quy định thì sẽ được hưởng hỗ trợ tài chính với mức cao nhất 20% giá bán, tương đương với 500 nhân dân tệ.
Sáu tháng đầu năm 2025, chương trình đổi cũ lấy mới đối với xe điện đã hỗ trợ cho 8.465.000 xe, gấp 6,1 lần so năm 2024; 8.402.000 người đã được nhận hỗ trợ cũ lấy mới đối với xe điện với tổng số tiền 24,77 tỷ nhân dân tệ, gấp 6,6 lần so năm trước.
HỮU HƯNG - HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc