Đường giao thông khang trang, hiện đại tại xã Thọ Xuân.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trịnh Huy Triều, “Quy hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn hiện đại, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Thanh Hóa là tỉnh có 65% dân số và trên 90% diện tích thuộc vùng nông thôn nên vấn đề này được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao”.
Trên cơ sở mục tiêu của chương trình chung và chỉ đạo của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 các sở, ban, ngành và các huyện trước đây đã tập trung vào việc lập quy hoạch xây dựng, bảo đảm quy hoạch hệ thống giao thông phủ kín toàn bộ khu vực nông thôn của tỉnh. Từ đó, ngành xây dựng Thanh Hóa đã sát sao trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2022-2025 tại Nghị quyết số 148/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021.
Trước thời điểm giải thể cấp huyện, 22 huyện trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%. Có 336 xã cũ thuộc khu vực nông thôn đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, trong đó có 152 xã miền núi, 184 xã đồng bằng, trung du và ven biển. Sau sáp nhập từ ngày 1/7/2025, các xã mới tiếp tục kế thừa các quy hoạch xây dựng, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông.
Thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2021-2024 tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ các địa phương gần 400 tỷ đồng qua chính sách phát triển giao thông nông thôn. Từ đó, các địa phương đã kiên cố hóa gần 373km, mở rộng 375km đường giao thông nông thôn, xây mới và sửa chữa 215 công trình thoát nước dọc các tuyến giao thông. Ngoài nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ và tiền đối ứng của các địa phương, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp và xã hội hóa để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.
Từ kết quả đạt được, Giám đốc Sở Xây dựng Trịnh Huy Triều đã khái quát một số kinh nghiệm được rút ra, đồng thời làm cơ sở để triển khai nhiệm vụ phát triển hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh thời gian tới. Đó là: cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của XDNTM gắn với phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân, tạo sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân. Cần tăng cường số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất cho đội ngũ làm công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở các xã. Cấp tỉnh và các địa phương cần tiếp tục huy động nguồn lực từ Nhân dân, sự đóng góp của doanh nghiệp kết hợp với nguồn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh để đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông nông thôn. Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất để có mặt bằng mở rộng các tuyến giao thông, xây dựng rãnh thoát nước, hệ thống chiếu sáng hay trồng cây xanh tạo cảnh quan ven đường.
Bên cạnh việc xây dựng, các địa phương cần quan tâm bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông nông thôn để khắc phục các hư hỏng, tăng tuổi thọ công trình, giảm chi phí đầu tư xây dựng lại và khai thác an toàn, hiệu quả. Đồng thời, cần phải quản lý tốt diện tích đất hành lang an toàn đường bộ để tránh lấn chiếm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM là một trong các chương trình trọng tâm. Với cấp xã, “Giao thông” là tiêu chí đầu tiên, còn với cấp huyện (cũ), đây là tiêu chí thứ hai trong lộ trình XDNTM xuyên suốt thời gian qua. Những kết quả ghi nhận về phát triển hệ thống giao thông nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2021-2025 sẽ là tiền đề quan trọng để các xã mới sau sáp nhập phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn.
Bài và ảnh: Hà Giang