Kinh nghiệm quốc tế về tăng thuế thuốc lá

Kinh nghiệm quốc tế về tăng thuế thuốc lá
2 giờ trướcBài gốc
THÁI LAN
Tại Thái Lan, từ năm 1993 - 2017, chính Phủ Thái Lan đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 11 lần (trung bình 2 năm tăng một lần). Kết quả là thuế thuốc lá đã tăng từ 55% đến 90% trên giá bán buôn (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên khoảng 700% giá xuất xưởng theo cách tính thuế của Việt Nam).
Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá với hệ thống thuế hỗn hợp.
Việc đánh thuế thuốc lá cao và tăng thuế liên tục đã đem lại những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ hút thuốc lá của người trưởng thành trong toàn quốc đã giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 17,4% (năm 2021). Đồng thời, thu ngân sách từ thuế thuốc lá của Thái Lan đã tăng gấp hơn 4 lần, từ 500 triệu USD (năm 1993) lên gần 2,1 tỷ USD (năm 2020).
PHILIPPINES
Tại Philippines, nhằm giảm gánh nặng về sức khỏe và kinh tế - xã hội do thuốc lá gây ra, năm 2012, Philippines thông qua Luật Cải cách thuế (Sin Tax Act), chuyển cấu trúc thuế 4 nhóm với các sản phẩm thuốc lá khác nhau xuống còn 2 nhóm và tăng mạnh thuế suất đều đặn qua các năm từ 2013-2016 để tiến tới còn một mức thuế chung 30 peso (khoảng 0,75 đô la Mỹ)/bao thuốc vào năm 2017.
Từ năm 2018-2023, thuế suất tiếp tục tăng đều mỗi năm, đạt mức 65 peso/bao thuốc vào năm 2023.
Theo quy định của Luật Cải cách thuế năm 2012 của Philippines, mức thuế tiếp tục điều chỉnh tăng mỗi năm 5% từ sau năm 2023.
Từ năm 2015-2020, tiêu thụ thuốc lá bình quân đầu người/năm giảm từ 1.304 điếu (năm 2015) xuống 874 điếu (năm 2020).
Doanh số thu thuế thuốc lá của Chính phủ Philippines đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 1,66 tỷ USD (2013), và tiếp tục tăng lên 2,8 tỷ USD (năm 2020).
Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới, chính sách giá và thuế là chính sách hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, giúp giảm từ 50% đến 60% tỷ lệ hút thuốc lá tại các quốc gia.
Tăng thuế tác động trực tiếp đến tăng giá thuốc lá buộc người tiêu dùng phải “phản ứng” bằng cách bỏ hoặc giảm mức độ sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung trong cộng đồng khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Xét về lợi ích kinh tế, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá thêm 7%.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-tang-thue-thuoc-la-240124.htm