Dưới đây là những kinh nghiệm thiết thực giúp “xế cưng” của bạn an toàn vượt qua mùa mưa bão khắc nghiệt, đăc biệt là khi cơn bão Wipha chuẩn bị đổ bộ Việt Nam.
1. Lựa chọn chỗ đỗ xe an toàn
Một trong những yếu tố then chốt để bảo vệ xe trong mùa mưa bão là vị trí đỗ xe. Chủ xe nên tránh đỗ ở những khu vực trũng thấp, gần ao hồ, sông suối hoặc dưới gốc cây, cột điện. Khi trời có dấu hiệu mưa to, cần chủ động tìm các bãi đỗ xe cao ráo, có mái che kiên cố.
Chọn chỗ đỗ xe cao và thoáng đãng để tránh cây đổ
Nếu phải đỗ ngoài trời, nên quay đầu xe ngược chiều gió, đóng kín cửa kính và cố gắng dùng bạt chuyên dụng phủ kín toàn bộ xe để hạn chế nước mưa và bụi bẩn lọt vào.
2. Không cố vượt qua đoạn đường ngập nước
Nhiều người lầm tưởng rằng xe gầm cao có thể dễ dàng vượt ngập. Tuy nhiên, mực nước chỉ cần cao hơn 1/2 bánh xe hoặc chạm đến cản trước, nguy cơ nước tràn vào khoang máy và nội thất là rất lớn.
Không cố vượt qua đường ngập nước
Nếu bắt buộc phải di chuyển qua vùng ngập, cần tắt điều hòa, giữ đều ga ở số thấp, không phanh gấp và không dừng giữa dòng nước để tránh chết máy. Tuyệt đối không cố đề lại nếu xe đã chết máy giữa chừng, điều này có thể khiến nước bị hút ngược vào buồng đốt, gây hư hại nặng cho động cơ.
3. Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, phanh, gạt mưa
Mùa mưa là “ác mộng” với các hệ thống điện và phanh nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng. Chủ xe nên kiểm tra:
- Ắc quy: Đảm bảo điện áp ổn định, các cực không bị oxy hóa.
- Hệ thống phanh: Má phanh không bị mòn, dầu phanh đủ và không lẫn nước.
- Gạt mưa: Cao su cần được thay định kỳ 6-12 tháng/lần, đảm bảo làm sạch kính nhanh và hiệu quả.
- Đèn chiếu sáng: Phải hoạt động tốt để tăng khả năng quan sát trong điều kiện mưa lớn, sương mù.
4. Chăm sóc lốp và hệ thống treo trước khi mưa bão đến
Lốp xe là điểm tiếp xúc duy nhất với mặt đường, đặc biệt quan trọng khi đường trơn trượt. Bạn hãy đảm bảo độ sâu gai lốp đạt chuẩn (ít nhất 1,6mm), áp suất phù hợp và không có vết nứt, rách.
Chăm sóc lốp và hệ thống treo
Bên cạnh đó, hệ thống treo như giảm xóc, thanh giằng cũng cần được kiểm tra kỹ vì ảnh hưởng trực tiếp đến độ bám đường và khả năng xử lý tình huống khi gặp thời tiết xấu, nhất là khi mưa bão.
5. Làm sạch xe sau khi đi mưa
Sau mỗi lần đi dưới trời mưa hoặc qua vùng ngập, bạn cũng nên rửa xe càng sớm càng tốt để loại bỏ bùn đất, tạp chất và muối nếu đi qua vùng ven biển hoặc nước lũ có nhiều tạp chất ăn mòn. Đặc biệt, chủ xe cần lưu ý các vị trí như hốc bánh, gầm xe, kẽ cửa, gioăng cao su, đây là những vị trí dễ tích tụ nước bẩn, gây gỉ sét hoặc mùi hôi.
Làm sạch xe ô tô sau khi đi mưa
6. Trang bị bảo hiểm vật chất và cứu hộ
Ngoài bảo hiểm bắt buộc, chủ xe nên mua thêm bảo hiểm vật chất mở rộng, bao gồm điều khoản ngập nước hoặc thủy kích. Đây là giải pháp “phòng xa” hiệu quả, giúp giảm thiểu tổn thất tài chính trong trường hợp xe bị hư hại nặng do mưa bão.
Bên cạnh đó, việc lưu sẵn số điện thoại cứu hộ cũng rất cần thiết để xử lý nhanh trong trường hợp xấu là gặp sự cố trên đường.
7. Cập nhật thông tin thời tiết và chủ động kế hoạch di chuyển
Trước khi di chuyển khỏi nhà, hãy theo dõi bản tin thời tiết, tránh đi vào khung giờ cao điểm mưa to hoặc khu vực có cảnh báo lũ lụt. Nếu cần thiết, bạn hãy hoãn lại kế hoạch di chuyển để đảm bảo an toàn cho cả người và xe.
Cập nhật thông tin thời tiết để chủ động di chuyển
Mùa mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng nếu chủ xe có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động bảo vệ phương tiện, hoàn toàn có thể tránh được những thiệt hại không đáng có.
Nguyễn Kim Nhâm