Năm 2025 TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu GRDP tăng trên 10%, nâng GRDP bình quân đầu người lên khoảng 8.500 USD
Tăng trưởng bứt phá
Khép lại năm 2024, TP. Hồ Chí Minh dự kiến GRDP đạt mức tăng 7,17%, một con số khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế trung tâm kinh tế quan trọng với GRDP dự kiến tăng 6,5%, cao hơn so với mức tăng 6,27% của năm 2023. Tuy nhiên theo lãnh đạo UBND thành phố, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều hạn chế, như thủ tục hành chính còn rườm rà, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm bậc, và giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra (dự kiến chỉ đạt khoảng 88,4%).
Với mức tăng trưởng quý IV/2024 dự kiến lần đầu tiên đạt trên 10%, GRDP năm 2024 của Đà Nẵng ước đạt 7,51%, xếp thứ hai trong số năm thành phố trực thuộc Trung ương. Một địa phương khác là Hải Phòng, ước GRDP năm 2024 là 11,01% (đứng thứ ba cả nước), là năm thứ 10 liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức hai con số, thể hiện sự phát triển bền vững của thành phố và vai trò động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý, thu hút FDI là một điểm sáng với tổng vốn đầu tư FDI năm 2024 ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 235% so với kế hoạch đề ra.
Bước sang năm 2025, các địa phương kể trên đều đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn trong tăng trưởng kinh tế. Đơn cử, TP. Hà Nội xây dựng ba kịch bản tăng trưởng GRDP cho năm 2025, trong đó kịch bản cơ sở kỳ vọng đạt mức tăng 6,5-7,5%, và kịch bản cao đạt trên 8% (GRDP bình quân đầu người đạt trên 175 triệu đồng). Trong khi TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu GRDP tăng trên 10%, nâng GRDP bình quân đầu người lên khoảng 8.500 USD.
TP. Đà Nẵng, với tiềm năng mạnh mẽ từ du lịch và dịch vụ, đặt mục tiêu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025. Cụ thể, Đà Nẵng đề xuất mục tiêu GRDP tăng 9% so với năm 2024, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%. Trong khi đó, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 ở mức 12,5%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó nêu rõ: Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao). Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu đạt kết quả cao nhất; trong đó phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng 2025
Trên nền tảng các kết quả đạt được của năm 2024, đà phục hồi tích cực của các động lực tăng trưởng truyền thống và kỳ vọng đóng góp nhiều hơn của các động lực tăng trưởng mới cũng như tính hiệu quả, hiệu lực mà tinh gọn bộ máy mang lại, nhiều nhận định cho rằng mức tăng trưởng 8% năm 2025 dù thách thức nhưng khả thi. Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là tăng trưởng GRDP của các đầu tàu kinh tế lớn những năm gần đây chỉ ở mức thấp hoặc trung bình so với cả nước. Do đó để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của năm 2025 và những năm tiếp theo, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cần được triển khai trước hết và nhấn trọng tâm vào các đầu tàu kinh tế lớn này.
Trong hai thập kỷ tới, có hai mục tiêu chiến lược lớn cần đạt được: Đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, muốn đạt được hai mục tiêu này thì không thể không bứt phá, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực để đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Nhưng muốn vậy, phải có đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách; cùng với đó là đột phá về hạ tầng chiến lược, đột phá về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng nêu rõ, muốn đất nước phát triển thì các địa phương phải phát triển, từng địa phương phải phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu phải đạt tăng trưởng hai con số trong những năm tới đây. Để thực hiện điều này, Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về ưu tiên tăng trưởng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Với những nền tảng vững chắc đã đạt được trong năm 2024 và những giải pháp đồng bộ cho năm 2025, các địa phương đầu tàu được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục là động lực chính, góp phần đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thử thách và vươn tới những tầm cao mới.
Đỗ Lê