Kinh tế châu Á đối mặt triển vọng khó lường

Kinh tế châu Á đối mặt triển vọng khó lường
8 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ tăng trưởng chậm và thiếu ổn định
Theo trang mạng DW (Đức), tăng trưởng kinh tế giảm tốc của Trung Quốc và khả năng xảy ra xung đột thương mại toàn cầu dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đồng nghĩa với việc kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm hơn và có khả năng thiếu ổn định trong năm 2025. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thì cho rằng, châu Á đang phát triển có khả năng tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trước đây trong năm sau và triển vọng có thể xấu đi nếu ông Trump nhanh chóng thay đổi chính sách thương mại của Mỹ.
Thương mại châu Á đang đối mặt với nguy cơ từ những thay đổi trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ
Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cũng nhận định kinh tế châu Á sẽ hỗn loạn dưới thời ông Trump. Nhiều khả năng lực cản lớn nhất tác động vào châu Á trong năm 2025 sẽ là “chính quyền Trump 2.0”. Ông Trump đã cảnh báo áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% riêng với với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của châu Á, gây ra tác động dây chuyền toàn cầu. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump có thể chuyển thành nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại song phương của Mỹ, vốn được coi là thông tin ít được mong đợi đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Trong khi đó, lĩnh vực vốn tư nhân của châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Trước đây, lĩnh vực vốn tư nhân của châu Á phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thuận lợi với đặc điểm là tăng trưởng nhanh, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất, tầng lớp trung lưu mở rộng. Còn nay, hoạt động thoái vốn đã giảm mạnh và hoạt động huy động vốn đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ. Các quỹ tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương chỉ huy động được 100 tỷ USD vốn mới, giảm 60% so với mức trung bình 5 năm trước đó. Số lượng nhà đầu tư tích cực trong khu vực cũng giảm 25% so với năm 2022.
Nhìn vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã phải rất nỗ lực duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng trong năm 2024 trong bối cảnh tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, nợ công cao và tiêu dùng trì trệ. Mặc dù, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng vào tháng 11-2024 khi các đơn đặt hàng mới, bao gồm cả đơn đặt hàng từ nước ngoài, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất, nhưng số liệu thống kê công bố cho thấy sự phục hồi bền vững vẫn chưa đạt được.
Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc là sự bất ổn trên thị trường bất động sản. Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản vẫn đang giảm và lĩnh vực này có thể chưa phục hồi cho đến nửa cuối năm 2025. Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch, giá nhà mới sẽ giảm thêm 5% trong năm 2025. Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ không mấy ấn tượng, thấp hơn so với sản lượng công nghiệp.
Còn tại Đông Nam Á, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục sụt giảm. Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn đối mặt nhiều rủi ro, như căng thẳng địa chính trị bùng phát ở nhiều khu vực, sự phân mảnh thương mại và các thảm họa thời tiết khắc nghiệt tác động xấu đến ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Do đó, ADB dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ chỉ duy trì ở mức 4,7% trong năm 2025.
Với Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực, những rào cản ngày càng rõ rệt, bắt nguồn từ tiêu dùng gia đình chậm lại do số người thuộc tầng lớp trung lưu sụt giảm. Trong khi đó, Thái Lan lại phải đối mặt với tình trạng tiêu dùng trong nước thấp, nợ gia đình tăng. Giới phân tích cho rằng ngay cả Malaysia và Việt Nam, hai quốc gia ghi nhận thành tích kinh tế ấn tượng năm 2024, cũng có khả năng phải đối mặt thách thức duy trì đà tăng trưởng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh khó khăn toàn cầu ngày càng tăng.
Tránh làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn
Trước những thách thức nêu trên, châu Á đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đối phó. Theo ông Johannes Wiegand, người đứng đầu bộ phận giám sát khu vực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã đến lúc châu Á phải thực sự cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nợ công đã tăng mạnh trong đại dịch và duy trì đến hiện nay. Điều này làm tăng chi phí trả nợ, khiến các chính phủ không có nhiều dư địa để đối phó với các sự kiện không lường trước và những thách thức trong dài hạn như biến đổi khí hậu hoặc dân số già hóa.
Về thương mại, các nước châu Á cần tránh làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh Mỹ có thể thay đổi chính sách thuế. Cụ thể, các nhà lãnh đạo nên thận trọng khi sử dụng các chính sách công nghiệp và đảm bảo rằng những chính sách này không gây ra sự méo mó trong thương mại, cũng như tiếp tục ủng hộ một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.
Để tiếp tục là động lực tăng trưởng của thế giới, châu Á cũng cần giải quyết các thách thức dài hạn hơn. Một trong số đó là nhân khẩu học. Ở nhiều nền kinh tế châu Á, lực lượng lao động đang giảm so với quy mô dân số. Điều này không chỉ khiến tăng trưởng chậm lại mà còn gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và ngân sách chính phủ. Việc thúc đẩy phụ nữ tham gia tích cực hơn vào thị trường lao động được trả lương và tạo điều kiện cho di cư có thể bù đắp một số tác động của quá trình già hóa.
Đi vào từng nước, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương, trong đó có cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các công ty và mở rộng xuất khẩu nông sản. Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng tham gia đối thoại, mở rộng các lĩnh vực hợp tác và quản lý những khác biệt với Mỹ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của quan hệ kinh tế và thương mại song phương theo hướng ổn định và bền vững.
Trong khi đó, các nền kinh tế như Ấn Độ thì tận dụng các cải cách chính sách để tăng cường tăng trưởng, biến họ thành những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ấn Độ được đánh giá cao nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và ít chịu tác động từ các yếu tố toàn cầu như chiến tranh thương mại và đồng USD mạnh. Với nền kinh tế năng động và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng trên 6-7%, dẫn đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc. Để đối phó với những “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở 6 giải pháp, bao gồm: Tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, vừa là nguồn lực và động lực cho phát triển. Tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực. Không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển của toàn cầu. Sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột. Tăng cường hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
HOÀNG SƠN
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/kinh-te-chau-a-doi-mat-trien-vong-kho-luong-post600901.antd