Kinh tế châu Âu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2025

Kinh tế châu Âu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2025
20 giờ trướcBài gốc
Thách thức trong năm 2025
Theo một khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán trước đây trong năm 2025, chỉ tăng nhẹ so với năm 2024.
Các nhà phân tích tham gia khảo sát dự báo, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1% vào năm 2025, cao hơn mức 0,8% của năm nay, nhưng thấp hơn dự báo trước đó là 1,2%. Dự báo cho năm 2026 cũng bị hạ từ mức 1,4% xuống 1,2%.
Những dự báo này bi quan hơn so với dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan này cũng đã hạ thấp triển vọng của mình trong tháng này khi quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ tư kể từ tháng 6. Quan chức ECB vẫn kỳ vọng các hộ gia đình sẽ thúc đẩy sự phục hồi khi thu nhập tăng và lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2%, mặc dù kỳ vọng này đã từng mang lại sự thất vọng.
Có nhiều lý do vững chắc để tin rằng, nền kinh tế sẽ cải thiện vào năm tới và năm sau nữa. Mặc dù tiêu dùng hiện đang tăng nhưng có thể sẽ có một chút chậm trễ bởi trong bối cảnh bất định, một số người vẫn ngần ngại đưa ra các quyết định tiêu dùng.
Ông Philip Lane, Nhà kinh tế trưởng của ECB.
Theo khảo sát, các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ đạt 2% vào quý II/2025, sau đó duy trì mức này trước khi giảm xuống 1,9% một năm sau đó. Lạm phát cơ bản - một trong những quan tâm còn lại của ECB, được kỳ vọng sẽ giảm nhanh hơn so với khảo sát trước đó, đạt 2% vào quý III/2025.
Một trong những thách thức lớn đối với châu Âu trong năm 2025 có thể đến từ việc chính quyền mới của ông Trump sẽ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ quốc gia ngoài. Nếu các mức thuế 10 - 20% được triển khai, GDP của EU có thể giảm 0,3% vào năm 2026.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, như Đức. Theo các nhà phân tích, thuế quan có thể được chính quyền Mỹ sắp tới sử dụng như một con bài mặc cả, trong khi khả năng trả đũa tương tự là không thể xảy ra. Điều này sẽ khiến đây trở thành cú sốc giảm phát, sự phân mảnh toàn cầu sẽ gây tổn hại cho châu Âu vốn phụ thuộc vào thương mại về lâu dài.
Giá khí đốt tăng cao tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất đối với châu Âu trong năm 2025. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế, nhưng các yếu tố rủi ro liên quan đến giá năng lượng và căng thẳng địa chính trị vẫn đặt ra những nguy cơ đáng kể. Việc triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả và xây dựng chiến lược năng lượng dài hạn sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự ổn định và bền vững của nền kinh tế châu Âu trong tương lai.
Đối với Đức, nền kinh tế đang đối mặt với sự suy giảm kéo dài trong ngành sản xuất chủ chốt, các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt 0,4% vào năm 2025 và 1% vào năm 2026, giảm 0,3 điểm phần trăm mỗi năm. Dự báo cho Pháp cũng bị hạ thấp, trong khi Tây Ban Nha được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn một chút so với dự báo trước đó.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).
OECD, cơ quan chuyên tư vấn cho các quốc gia công nghiệp về các vấn đề chính sách, kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Trong khi, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng của mình từ 1,2% xuống còn 0,9%.
Đức và Pháp đã phải vật lộn với hàng loạt thách thức trong năm qua, trong đó những yếu tố chi phối lớn nhất đến hoạt động kinh tế là tình hình chính trị, giá năng lượng cao, đầu tư chậm lại và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng.
Kinh tế Đức đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, với những dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ không thể đảo ngược. Theo Bloomberg, sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế nước này đã suy giảm 5% so với mức tăng trưởng trước đại dịch Covid-19. Những cú sốc cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp ô tô, đang khiến cho phần lớn thâm hụt khó phục hồi.
Dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, trở thành nền kinh tế hoạt động yếu nhất trong nhóm các nước G7, do những cơn gió ngược từ tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng, bộ máy quan liêu quá mức và giá năng lượng ở mức cao.
Trên thực tế, nền kinh tế số một Eurozone đã bắt đầu trì trệ kể từ đầu năm 2020 và những cuộc khủng hoảng gần đây từ các tập đoàn mang tính biểu tượng của Đức như Volkswagen, BASF, Siemens và ThyssenKrupp càng củng cố quan điểm cho rằng, nền kinh tế cần được cải cách và đầu tư khẩn cấp.
Kinh tế Đức không sụp đổ trong một đêm. Chính điều đó làm cho viễn cảnh này trở nên cực kỳ đáng sợ. Đó là một sự suy thoái kinh tế rất chậm, kéo dài. Không chỉ của một công ty hay một thành phố, mà là của cả một quốc gia. Và châu Âu cũng sẽ bị kéo theo.
Bà Amy Webb, Giám đốc điều hành Future Today Institute.
Dù vậy, không phải mọi thứ đều u ám. Đức vẫn có các công ty nhỏ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để những doanh nghiệp này tiếp tục giữ vững vị trí trong tương lai.
Thách thức là không thể phủ nhận, nhưng việc nhận diện rõ các vấn đề và hành động kịp thời sẽ giúp Đức tìm lại vị thế kinh tế hàng đầu châu Âu và hỗ trợ khu vực đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Còn tại Pháp, nền kinh tế được dự báo đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay, và một số chỉ số chính nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 7,4%, tương đối thấp đối với Pháp, trong khi lạm phát đã hạ nhiệt từ mức 5% cách đây vài năm xuống còn khoảng 2%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 1,2% xuống 0,9% do triển vọng kinh tế trong và ngoài nước ngày càng bất ổn.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2026 cũng giảm từ 1,5% xuống 1,3%. Theo ngân hàng này, kinh tế Pháp dự kiến tăng trưởng 1,3% năm 2027.
Khả năng giảm lãi suất của ECB trong năm 2025
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện bốn đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và thị trường đang kỳ vọng sẽ có thêm một đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào đầu năm 2025. Có ý kiến cho rằng, mức cắt giảm này là chưa đủ và có thể cần những điều chỉnh mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Các dự báo cho thấy lãi suất cơ bản của ECB, hiện đang ở mức 3%, có thể giảm xuống 2% vào giữa năm 2025. Một số chuyên gia thậm chí còn kỳ vọng lãi suất tiền gửi có thể giảm xuống mức 1% nếu tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Quốc gia HRT1 ngày 21/12, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Croatia và là thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, Boris Vujcic, cho biết định hướng đã rõ ràng, đó là sự tiếp nối định hướng từ năm 2024 và đó là việc tiếp tục giảm lãi suất.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho biết, các nhà hoạch định chính sách khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Phát biểu tại Ngân hàng Litva, bà Lagarde giải thích rằng, nền kinh tế khu vực đang tiến gần hơn đến mức mục tiêu lạm phát 2% mà ECB đặt ra. Nếu dữ liệu lạm phát sắp công bố đi theo xu hướng này thì ECB dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Chúng tôi quyết tâm đảm bảo lạm phát ổn định bền vững ở mức mục tiêu trung hạn là 2%. Chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu và qua từng cuộc họp để xác định lập trường chính sách tiền tệ phù hợp. Đặc biệt, các quyết định về lãi suất của chúng tôi sẽ dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ. Chúng tôi không cam kết trước với một lộ trình lãi suất cụ thể nào.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Thị trường hiện đặt cược ECB sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất tương tự tại cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2025. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, ECB chưa đủ quyết liệt. Ông Kallum Pickering, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Peel Hunt bày tỏ ủng hộ cho một đợt hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản. Ông tin rằng các vấn đề của châu Âu đã chuyển từ cú sốc nguồn cung sang vấn đề về nhu cầu và lạm phát sẽ không còn cao dai dẳng.
Giới đầu tư đang nhận định lãi suất chủ chốt của ECB có thể giảm từ mức 3% hiện tại xuống 2% vào giữa năm 2025, với các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo dự kiến vào cuối năm. Thậm chí, các nhà phân tích của Ngân hàng Bank of America đã tuyên bố, lãi suất chính sách của ECB sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tới, cho thấy mức lãi suất tiền gửi 1% là có thể xảy ra.
Hội đồng quản trị ECB sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về bàn về lãi suất năm 2025 vào ngày 30/1/2025, tức 10 ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Kinh tế Nga phát triển ổn định và bền vững
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn được dự báo tăng trưởng khả quan nhờ hoạt động thương mại gia tăng với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước sau khi nhiều doanh nghiệp phương Tây rút khỏi. GDP Nga được dự báo tăng từ 3,6% trong năm nay, tương đương với năm 2023.
Kinh tế xứ bạch dương được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới về sức mua tương đương và vượt qua tất cả các nền kinh tế châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, công nghiệp và công nghiệp chế biến đều tăng trưởng khả quan.
Tình hình kinh tế chung ở Nga vẫn ổn định. Chúng tôi đang phát triển bất chấp mọi thứ, bất chấp mọi mối đe dọa và nỗ lực bên ngoài nhằm tác động đến chúng tôi. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế là 3,6%. Năm nay sẽ là 3,9%, hoặc thậm chí có thể là 4%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo người đứng đầu nước Nga, trong hai năm qua nền kinh tế Nga đã tăng trưởng khoảng 8%, được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới về sức mua tương đương và vượt qua tất cả các nền kinh tế châu Âu.
Dù lạm phát vẫn đang là vấn đề báo động ở mức 9,3%, song tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 2,3%, công nghiệp tăng trưởng 4,4%, công nghiệp chế biến tăng trưởng 8%.
Ông Putin dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2024 ở mức 4%, song sẽ giảm xuống còn 2 - 2,5% trong năm 2025, mức giảm mà theo nhà lãnh đạo Nga đánh giá là nhẹ nhàng để có thể duy trì các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Theo ông Putin, có được kết quả đó, trước hết là nhờ Nga đã củng cố được chủ quyền của mình, các nhà sản xuất trong nước đã thành công trong việc lấp đầy những chỗ trống các công ty nước ngoài bỏ lại trên thị trường.
Về tình hình tăng giá vào những tháng cuối năm nay, Tổng thống Putin cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng có một phần trách nhiệm. Tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định giá cả và nỗ lực khắc phục những bất cập trong chính sách kinh tế.
Về tổng thể, Tổng thống Putin đánh giá chính phủ Nga đã hoạt động thành công, xây dựng được các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và có tầm nhìn tương lai.
Liên quan đến khoảng cách phát triển của các vùng, Tổng thống Nga nhấn mạnh cần phải cải thiện tình hình và đề xuất dịch chuyển các công ty lớn về các vùng để cân bằng lại tình hình đóng thuế, qua đó thúc đẩy phát triển các vùng sâu, vùng xa.
Châu Âu đang đứng trước một năm 2025 đầy thách thức nhưng cũng không thiếu cơ hội. Những thay đổi trong chính sách tiền tệ và tài khóa, cùng với triển vọng phục hồi tại một số quốc gia Nam Âu, có thể mang lại hy vọng cho khu vực này. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng trưởng bền vững, châu Âu cần đối mặt và vượt qua những rào cản từ cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm lạm phát, thuế quan và bất ổn chính trị. Các quyết định chính sách trong thời gian tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai kinh tế của khu vực.
Khuất Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/kinh-te-chau-au-doi-mat-nhieu-thach-thuc-trong-nam-2025-291833.htm