Kinh tế địa phương sau sáp nhập: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển mới

Kinh tế địa phương sau sáp nhập: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển mới
8 giờ trướcBài gốc
Nguồn lực tài chính công
Việc sáp nhập thường dẫn đến chênh lệch thu chi ngân sách giữa các địa phương cũ, do đó cần cân đối, phân bổ lại ngân sách và nguồn lực tài chính công. Chính quyền mới phải xây dựng lại kế hoạch ngân sách, ưu tiên đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, giảm thiểu bất bình đẳng giữa khu vực lõi trung tâm và ngoại vi.
Cảng Quy Nhơn. Ảnh Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
Sáp nhập chắc chắn sẽ tối ưu hóa, tập trung nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các địa phương cần sớm xác định lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế so sánh, xây dựng thương hiệu mới để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, hệ thống logistics, liên kết vùng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy thương mại, sản xuất. Một số ý tưởng về liên kết kết cấu hạ tầng kỹ thuật liên tỉnh trước đây có cơ hội hiện thực hóa.
Trước khi sáp nhập, các địa phương đều có quy hoạch riêng của mình, đặt ra yêu cầu điều chỉnh, tích hợp quy hoạch trong không gian mới. Việc thay đổi chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển phải theo nguyên tắc, quy trình cụ thể, tạo điều kiện phát triển phù hợp thực tế, tránh mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Các địa phương sau sáp nhập vẫn có thể tiếp tục phê duyệt dự án, chương trình đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt cho đến khi có quy hoạch mới hoặc điều chỉnh theo quy định pháp luật. Cơ bản, hiệu lực các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 vẫn được duy trì, bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Không gian kinh tế biển
Một điểm rất tích cực là sau sáp nhập, Việt Nam có 21 tỉnh, thành phố giáp biển, đưa tỷ lệ địa phương có cả “rừng vàng, biển bạc” lên 62% (21/34 tỉnh), so với 44% (28/63 tỉnh) trước đó. Điều này mở ra không gian kinh tế mới, kinh tế biển.
Các địa phương cần chủ động rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch không gian biển, xác định rõ các vùng chức năng, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, logistics hiện đại, khu kinh tế biển, khu công nghiệp ven biển, đô thị ven biển, dịch vụ hàng hải, du lịch biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng tái tạo. Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biển mới như dược liệu, y học, hóa học, công nghệ sinh học biển, vật liệu mới, năng lượng biển… theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, phát triển hạ tầng ven biển và biển.
Việc rà soát, sửa đổi các luật liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để bảo đảm đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển là rất quan trọng, gắn với xây dựng bộ tiêu chí chính sách phát triển quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; triển khai cơ chế điều phối liên ngành về quản lý biển và tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia.
Công trình, dự án dở dang, tài sản công
Một nội dung kinh tế không kém phần quan trọng nữa là sau sáp nhập, các địa phương cần tập trung, khẩn trương triển khai công tác bàn giao, tiếp nhận dự án, công trình chuyển tiếp hoặc thi công dở dang, đảm bảo các ban quản lý dự án hoạt động thông suốt, không để ảnh hưởng tới tiến độ, nhất là khi một số công trình dang dở do thiếu vốn, thay đổi chủ đầu tư. Một số dự án có thể phải tạm dừng để chờ hoàn thiện tổ chức bộ máy mới, rà soát, đánh giá kỹ dự án đầu tư để quyết định tiếp tục hay tạm dừng, điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư nhằm tránh lãng phí, đầu tư tràn lan, dư thừa công năng sau sắp xếp hành chính.
Việc thay đổi trách nhiệm, quyền hạn các cấp quản lý dự án, có thể làm công tác thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, thanh quyết toán kéo dài hơn. Không loại trừ có thể xuất hiện hiện tượng e ngại, chần chừ trong xử lý thủ tục do thay đổi chủ đầu tư, trách nhiệm thanh toán hoặc chuyển giao công việc. Do đó, việc xử lý các công trình đang thi công dở dang và dự án đầu tư trong giai đoạn sáp nhập cần quản lý chặt chẽ, minh bạch, có kế hoạch rõ ràng để tránh gián đoạn, lãng phí nguồn lực, hiệu quả đầu tư.
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cả nước có khoảng 4.226 trụ sở dôi dư, chiếm 12% của tổng số trụ sở công. Tất cả tài sản công phải được kiểm kê công khai, minh bạch, phân loại kỹ lưỡng, tránh thất thoát, lãng phí theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Có thể hoán đổi, điều chuyển trụ sở giữa các cơ quan, tổ chức để tận dụng tối đa cơ sở vật chất và tài sản do cơ quan trung ương quản lý không sử dụng nên chuyển sớm cho địa phương, ưu tiên bố trí cho y tế, giáo dục, công trình công cộng như thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao hoặc giao cho tổ chức phát triển quỹ đất địa phương quản lý, khai thác.
Trong bối cảnh các địa phương sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, nguồn lực dồi dào hơn, thuận lợi hơn để xây dựng các trung tâm kinh tế mạnh, giảm cạnh tranh cục bộ, tăng cạnh tranh quốc tế, tăng liên kết vùng tối ưu hóa nguồn lực, chuỗi giá trị, tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn. Sự thành công của mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo, tập trung cao độ và quyết liệt trong hành động của các chính quyền.
TS. Trần Văn, ĐBQH Khóa XII, XIII
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/kinh-te-dia-phuong-sau-sap-nhap-co-hoi-thach-thuc-va-dinh-huong-phat-trien-moi-10378903.html