Kinh tế Điện Biên sau 75 năm phát triển

Kinh tế Điện Biên sau 75 năm phát triển
5 giờ trướcBài gốc
Cánh đồng Mường Thanh vào vụ thu hoạch. Ảnh: Xuân Tư
Khi mới thành lập (10/10/1949), trong bối cảnh khó khăn về mọi mặt, nhận định khó khăn do hạn hán, sâu bệnh dẫn đến nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng, ngày 4/11/1950 Ban Cán sự Đảng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/LC, về việc “Tăng gia sản xuất và chống nạn đói trước mắt”. Chỉ thị nêu rõ phải trồng thật nhiều ngô, sắn; áp dụng biện pháp đổi công, giúp nhau về giống… Chỉ thị được phổ biến sâu rộng; dưới sự lãnh đạo cụ thể của Ban Cán sự Đảng cùng kinh nghiệm sản xuất của người dân, diện tích trồng ngô, sắn, lúa các nơi đều tăng mạnh. Nhân dân Lai Châu đã vượt qua được nạn đói.
Lai Châu khi đó vốn được xem là nơi “rừng thiêng nước độc” ở tận cùng Tây Bắc, khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Những năm đầu thành lập, cùng với nhiệm vụ tập hợp quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố lực lượng đấu tranh thì nhiệm vụ xuyên suốt được Ban Cán sự Đảng chú trọng là đẩy mạnh sản xuất lương thực, nêu cao khẩu hiệu “tất cả cho sản xuất”. Mục tiêu cốt yếu là không để xảy ra thiếu đói.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 1963 - 1970 (diễn ra từ 15 - 21/10/1963) đã xác định phải tạo được chuyển biến rõ rệt 1 trong 3 mặt chủ yếu là: “Tập trung phát triển nông nghiệp, không ngừng củng cố quan hệ sản xuất mới, cố gắng xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp; trọng tâm là giải quyết một bước vững chắc về lương thực, phát triển mạnh chăn nuôi, cây công nghiệp...”.
Cũng trong năm 1963, một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển mạnh mẽ ngành Nông nghiệp Điện Biên cho đến nay là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được khởi công xây dựng. Sau 2 năm thi công, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính khu, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân (trong đó có hơn 2.000 thanh niên từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh xung phong lên xây dựng), ngày 15/12/1965 công trình đầu mối và kênh tả Đại thủy nông Nậm Rốm đã cơ bản hoàn thành.
Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nỗ lực thi đua lao động sản xuất. Ngày 13/5/1987, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 03-NQ/TU về “Thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn” của Đảng, gồm: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất lương thực tại chỗ bằng cách tập trung thâm canh tăng vụ đối với lúa ruộng, luân canh cây ngô, đưa cây màu xuống ruộng, phát triển một số cây trồng vụ thu đông... đã mang lại kết quả đột phá. Năm 1989, sản xuất lương thực đạt 151 tấn, đánh dấu lần đầu tiên tỉnh ta đảm bảo nhu cầu lương thực trên địa bàn; hình thành các điểm sản xuất tập trung như: lúa nước ở khu vực lòng chảo Điện Biên; mía, đường tại Nông trường Điện Biên; cà phê ở Nông trường Mường Ảng. Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chè búp khô, hạt trẩu, cánh kiến đỏ, sa nhân; sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng chủ yếu như: vải, đường, đá lợp...
Cuối năm 2003, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tách 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đứng trước những thời cơ, thuận lợi song cũng nhiều khó khăn thách thức mới, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định: GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 11,6%/năm; GRDP giai đoạn 2010 - 2015 đạt 9,11%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,75%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 3 khâu đột phá chiến lược: Huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Xây dựng, ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách Trung ương phân cấp cho địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm tính khả thi nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, ngành Nông nghiệp Điện Biên được tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả rõ rệt về sản lượng và chất lượng. Năm 2003, trước khi tách tỉnh, tổng sản lượng lương thực đạt 209,5 nghìn tấn, đến năm 2023 đạt trên 285 nghìn tấn. Toàn tỉnh đã xác nhận 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; 72 sản phẩm OCOP. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như: Chè (Tủa Chùa); cà phê (Mường Ảng); mắc ca (Tuần Giáo); cao su (Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé)... Một số doanh nghiệp đã đầu tư trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị gia tăng, nuôi lợn chất lượng cao. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, Điện Biên đã có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 xã NTM nâng cao; 47 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, 179 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Với đặc thù của một tỉnh miền núi, công nghiệp Điện Biên chủ yếu phát triển khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện. Toàn tỉnh hiện có 1 nhà máy xi măng công suất 360 nghìn tấn/năm; 20 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác với tổng công suất lắp máy 279,3MW. Có tiềm năng lớn về điện gió, điện sinh khối, hiện nay tỉnh Điện Biên đã thu hút những nhà đầu tư lớn quan tâm, khảo sát, đề xuất đầu tư. Hạ tầng thương mại, dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Hơn 70 năm trước, mặc dù toàn đường đất đèo dốc hiểm trở, với phương tiện thô sơ song toàn dân đã vận chuyển 2.666 tấn gạo, 112 tấn rau xanh, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Suốt những thập kỷ sau đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực từng bước xây dựng, củng cố hệ thống giao thông. Song bước “đột phá” về giao thông thực sự đến khi ngày 4/2/2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030. Nhờ đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới giao thông đường bộ hiện có gần 9.600km, với 6 tuyến quốc lộ. Nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo động lực mới thu hút khách du lịch, nhà đầu tư. Giao thông đường hàng không đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng khách du lịch đến Điện Biên. 6 tháng đầu năm 2024 có 1,368 triệu lượt khách đến, gấp 2,19 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.474,1 tỷ đồng, tăng 2,26 lần.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 219 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 51.315 tỷ đồng. Trong đó 124 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 95 dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký hơn 38.144 tỷ đồng.
Trước mắt còn không ít khó khăn, thử thách song với truyền thống, thành tựu, kinh nghiệm 75 năm qua, tin tưởng rằng Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo chính quyền và nhân dân Điện Biên gặt hái nhiều thành quả mới.
Hà Nguyễn
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218731/kinh-te-dien-bien-sau-75-nam-phat-trien