Kinh tế EU chật vật giữa biến động chính trị, áp lực thuế quan từ Mỹ

Kinh tế EU chật vật giữa biến động chính trị, áp lực thuế quan từ Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Nền kinh tế EU đang đối mặt với những thách thức lớn do bất ổn chính trị, các vấn đề cơ cấu và chính sách thương mại, quốc phòng từ Mỹ.
Khu vực này đang trải qua giai đoạn rủi ro cao, được đánh dấu bởi sự đình trệ kinh tế, phân mảnh thương mại và bất ổn địa chính trị, càng trầm trọng hơn bởi cuộc chiến tại Ukraine kéo dài và quan hệ căng thẳng với Mỹ, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1.
Mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa EU và Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các chính sách thương mại và quốc phòng của Tổng thống Trump. Cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông đã đưa ra những biện pháp bảo hộ, bao gồm cả các nước EU.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu đã gây lo ngại khắp EU, khi các quan chức cho rằng mức thuế này không có cơ sở chính đáng và cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp châu Âu trước những chính sách đó.
EU coi các mức thuế này của Mỹ là nguồn cơn cho sự bất ổn kinh tế, làm gián đoạn hiệu quả và hội nhập thị trường. Ngoài ra, khối này phản đối quyết định của ông Trump về việc áp thuế đối ứng đối với các nước có hành động trả đũa.
Các quan chức EU cho rằng thuế đối ứng là cách tiếp cận sai lầm và cảnh báo rằng khối này sẽ đáp trả nhanh chóng, mạnh mẽ trước bất kỳ rào cản nào bị coi là không công bằng đối với thương mại tự do và công bằng, qua đó thể hiện sẵn sàng tham gia vào tranh chấp thương mại nếu cần thiết.
Việc loại trừ các nước EU khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-EU.
Ông Trump cũng chỉ trích các quốc gia châu Âu vì không phân bổ đủ nguồn lực cho quốc phòng, cho rằng các thành viên NATO nên tăng chi tiêu quốc phòng từ mức trung bình hiện nay là 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 5%.
Tăng trưởng chậm, nợ công cao, giá khí đốt và lạm phát tăng
Nhiều quốc gia châu Âu đang vật lộn với nợ công và thâm hụt ngân sách cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và dân số chậm lại, cùng với chi tiêu xã hội gia tăng. Đối với các nước này, việc tăng chi tiêu quốc phòng là thách thức lớn.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của EU năm 2025 ở mức 1,5%, phản ánh xu hướng trì trệ trong những năm gần đây so với Mỹ và Trung Quốc. Các báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng euro năm nay có thể chỉ dao động quanh mức 1%.
Trong 15 năm qua, nền kinh tế châu Âu đã tụt hậu đáng kể so với Mỹ, quốc gia dẫn đầu về công nghệ và chuyển đổi số. Trong khi GDP của Mỹ tăng 70% thì EU chỉ tăng 20%.
Sự suy giảm năng suất và khả năng cạnh tranh, cùng với chi phí lao động tăng cao, đã làm xói mòn sức mạnh công nghiệp của khu vực, đặc biệt là so với Mỹ và Trung Quốc.
Để giành lại lợi thế cạnh tranh, EU đặt mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, mở rộng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các công ty công nghệ, đồng thời giảm chi phí năng lượng. Tuy nhiên, mỗi khi EU thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, Mỹ lại đáp trả bằng các sáng kiến lớn hơn và nhanh hơn.
Trong khi đó, một số quốc gia EU không tuân thủ các quy tắc tài khóa của khối, quy định rằng nợ công không được vượt quá 60% GDP và thâm hụt ngân sách phải dưới 3% GDP.
Hy Lạp, Italy, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đều có nợ công vượt 100% GDP, trong khi 13 nước thành viên EU vượt ngưỡng 60%.
Ngoài ra, 10 quốc gia EU, bao gồm Italy, Hungary và Romania đã vượt mức giới hạn 3% thâm hụt ngân sách so với GDP mà khối đặt ra.
Nợ công và thâm hụt ngân sách cao khiến các nước này ngày càng gặp khó khăn trong việc phân bổ ngân sách cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Đồng thời, lạm phát khắp châu Âu vẫn ở mức cao. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn, nhưng tỉ lệ lạm phát khu vực đồng euro những tháng gần đây vẫn quanh mức 3%.
Thêm vào đó, kho dự trữ khí đốt hiện tại của EU dưới 50% công suất, với mức dự trữ thấp hơn khoảng 10% so với trung bình. Giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua do thời tiết lạnh giá và dự trữ sụt giảm.
Lê Anh (Theo AA)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/kinh-te-eu-chat-vat-giua-bien-dong-chinh-tri-ap-luc-thue-quan-tu-my-204250221140736863.htm