Kinh tế EU đang... 'mắc kẹt'

Kinh tế EU đang... 'mắc kẹt'
3 giờ trướcBài gốc
Tòa nhà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bên cạnh các container ở cảng Frankfurt (Đức).
Như vậy EU rất có thể sẽ là khu vực tăng trưởng thấp nhất, nếu so với Nhật Bản (dự báo tăng trưởng GDP 1,9%; Mỹ 2,8-3,5%; Trung Quốc 4,8-5%) trong năm 2025.
Các nhà hoạch định chính sách tại ECB lại tiếp tục điều chỉnh lãi suất, có thể giảm từ mức 3% hiện tại xuống 2% vào giữa năm 2025. Chưa hết, các nhà phân tích tại Bank of America (Mỹ) còn cho rằng năm 2025, lãi suất chính sách (của ECB) có thể giảm xuống dưới 2%.
Bên cạnh chính sách cắt giảm lãi suất, người tiêu dùng thận trọng là một trong nhiều trở ngại mà EU phải đối mặt. Trong một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng niềm tin của người tiêu dùng đầu tháng 1/2025 đã giảm 1,2% so với tháng 12/2024. Theo ông Sylvain Broyer - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings của Mỹ, cho rằng những thay đổi về chính sách tiền tệ ở EU vẫn chưa thể giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng.
Trong khi đó, lo ngại thuế quan ngày càng tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế từ 10%-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ. Nếu điều đó xảy ra sẽ có thể làm giảm 0,3% GDP của EU ngay trong năm nay.
Bên cạnh đó, EU lại đang phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Pháp và Đức. Tuy nhiên, với góc nhìn lạc quan hơn, ông Chris Watling - CEO và chiến lược gia thị trường tại Công ty tư vấn tài chính Longview Economics có trụ sở tại London (Anh) cho rằng: sẽ có một thời kỳ tốt đẹp, nhưng có thể không diễn ra trong thời gian dài”.
Dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), GDP của Eurozone dự kiến tăng 0,8% trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng, đầu tư hồi phục. Tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng đạt 1,3% vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại đưa ra dự báo thận trọng hơn, với mức tăng trưởng là 1,1% trong năm nay.
ECB cũng cho rằng lạm phát cả năm 2024 dự kiến ở mức 2,4%, giảm mạnh so với năm trước, nhưng năm 2025 thì lại “chông chênh” nếu như người tiêu dùng “chán nản” sau một thời gian quá dài chi tiêu dè sẻn khiến chất lượng cuộc sống đi xuống.
Ông Thiess Petersen - cố vấn cấp cao tại Bertelsmann Stiftung (Đức) nhận định: “Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy rủi ro kinh tế đối với EU” khi mà căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, chi phí năng lượng cao, tranh chấp thương mại leo thang. Thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã hết hạn vào ngày 1/1 vừa qua làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Riêng về đồng euro, sau 5 quý liên tiếp trì trệ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn nhất khi năm 2024 kết thúc. Đó là dấu hiệu cho thấy “sức khỏe” của đồng tiền này trong năm 2025 vẫn còn mờ mịt với quá nhiều rủi ro. Theo số liệu được công bố trên trang web của ECB, hiện tỷ giá tham chiếu của đồng euro so với đồng USD đã giảm xuống 1,0321 euro đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
Trước đó, đồng euro đã tăng lên mức 1,1196 euro đổi 1 USD vào cuối tháng 9/2024, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, trước khi bắt đầu chuỗi giảm giá kéo dài cho đến nay.
Yếu tố chính kéo giá trị đồng euro đi xuống được cho là do nền kinh tế suy yếu ở các nước hàng đầu châu Âu, trong đó có Đức và Pháp. Hồi tháng 12/2024, Ngân hàng trung ương Đức dự báo nền kinh tế nước này giảm 0,2% trong năm 2024, sau khi đã tăng trưởng âm 2 năm liên tiếp. Cùng thời điểm, ECB cho biết tăng trưởng kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đang mất đà.
Năm 2012, khi khủng hoảng đồng euro lên đến đỉnh điểm, ông Mario Draghi - lúc đó là Chủ tịch ECB từng ví đồng euro như một “con ong chăm chỉ”. Cho dù còn có những vấn đề, liên minh tiền tệ này vẫn tồn tại. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi “con ong” đó có nguy cơ gặp nạn, ông Draghi đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt, tuyên bố ECB sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng euro.
Tuy nhiên, đến nay, tinh thần “làm bất cứ điều gì cần thiết” của ông Draghi là không đủ để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và niềm tin vào khu vực này khi “sức khỏe” đồng euro vẫn gặp vấn đề.
Với những thách thức phía trước, như nguy cơ căng thẳng thương mại từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc, bà Christine Lagarde - người kế nhiệm ông Draghi, cho rằng đồng euro đang đứng trước thời khắc quyết định của chính mình. Sự thiếu hụt vai trò lãnh đạo từ Pháp và Đức đòi hỏi ECB phải bước lên dẫn dắt. Đáng chú ý hơn khi Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho rằng để hạn chế rủi ro, EU cần áp dụng cách tiếp cận "dựa trên dữ liệu" và thận trọng khi điều chỉnh chính sách, có nghĩa là không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng để đương đầu với năm 2025 nhiều thách thức.
Đồng euro xuống sức cũng khiến thu nhập thực tế của người dân giảm. Trên thực tế, trong vòng 4 năm, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực Eurozone chỉ tăng 2,5%, so với mức tương ứng 7,9% ở Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) bao gồm 27 quốc gia, còn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 nước. Vì thế, những dự báo tăng trưởng thiếu tích cực cho năm 2025 là rất đáng lo ngại.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế thế giới công bố mới đây, Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “tăng tốc vừa phải” trong năm 2025, nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ, các dấu hiệu phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ cũng như sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. QNB cũng cho rằng các nền kinh tế ASEAN sẽ được hưởng lợi từ các tác động lan tỏa tích cực này. Trong khi đó, kinh tế EU vẫn bị coi là “trì trệ”, khi đồng euro rất khó lấy lại sức khỏe nếu so với đồng dollar Mỹ. Còn theo Bloomberg, kinh tế EU vẫn có thể tiếp đà giảm trong năm 2025. Việc dự báo tăng trưởng GDP 1% dù không lớn nhưng vẫn là dự báo lạc quan khi mà thách thức là khá nhiều. Các chuyên gia từ Bloomberg cũng cho rằng, trong bối cảnh đó, chênh lệch về mức sống thực tế của đa số người châu Âu sẽ còn nới rộng hơn với các nước khu vực Bắc Mỹ.
THẾ TUẤN
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/kinh-te-eu-dang-mac-ket-10298183.html