Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuần trước, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã lao dốc sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế quan cao nhất trong hơn một thế kỷ qua, khiến hơn 6.000 tỷ USD tài sản bốc hơi trong vòng hai ngày. Giới nghiên cứu tự hỏi liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có thực sự theo sau cú giảm sốc của thị trường chứng khoán. Điều đó dường như không một ai có thể chắc chắn trả lời nhưng những rủi ro đi kèm lại đang rất hiện hữu.
Các dữ liệu trước đó cho thấy nền kinh tế của Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng khá mạnh mẽ cho đến tháng 3. Tăng trưởng việc làm đi lên, trong đó số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 228.000, tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức 4,2%. Bên cạnh đó, tiền lương chi trả cũng cao thêm cùng với số lượng sa thải nhân công rất ít.
Tuy nhiên, thế giới dường như đã thay đổi vào ngày 2/4 – thời điểm mà ông Trump gọi đó là "Ngày giải phóng". Ông Trump công bố mức thuế quan khổng lồ đối với gần như tất cả các quốc gia—một động thái được cho là đợt tăng thuế lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ năm 1968, theo JPMorgan. Vào ngày 3/4, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã ghi nhận cú giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, với chỉ số S&P 500 giảm 4,8%. Đến ngày 4/4, Trung Quốc trả đũa, áp thêm thuế quan 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, và chỉ số S&P 500 lại lao dốc thêm 6%.
Cú lao dốc của thị trường chứng khoán, sự bán tháo trái phiếu “rác” (trái phiếu có mức độ tín nhiệm thấp nhưng mang lại lợi suất cao hơn), chi phí thuế quan, và triển vọng xuất khẩu yếu đi bắt nguồn từ các biện pháp trả đũa… đang đè nặng lên triển vọng kinh tế Hoa Kỳ.
Khả năng về một cuộc suy thoái vì thuế quan
Trong một ghi chú với tiêu đề "sẽ có máu", ông Bruce Kasman, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của JPMorgan, đã tăng dự báo khả năng suy thoái toàn cầu từ mức 40% lên 60%. Ngân hàng này nhận định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ sẽ giảm 0,3% trong quý 4 năm 2025 so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì mức dự báo tăng trưởng 1,3% như trước đó. Cũng theo JPMorgan, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ cũng sẽ đạt 5,3% vào năm tới.
Ông Kasman nhận định rằng quy mô và tác động của chính sách thuế quan nếu kéo dài, sẽ đủ khả năng làm nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như toàn cầu rời vào tình trạng suy thoái. Cú sốc thuế quan còn có thể bị khuếch đại lên thông qua những tác động về mặt tâm lý cũng như và tạo ra những gián đoạn tiềm tàng với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông David Seif, nhà kinh tế trưởng của Nomura, cho biết chưa có đủ dữ liệu để nhận định về một cuộc suy thoái - thường được xem xét khi có sự sụt giảm GDP trong hai quý liên tiếp. Nhưng ông cho rằng điều này không có nghĩa với việc sẽ không có “cảm giác” như một cuộc suy thoái.
“Với mức tiêu dùng thực tế rất thấp, mọi người sẽ có thể cảm thấy tồi tệ hơn so với những gì mà các số liệu GDP chỉ ra”, ông Seif nói. Ông dự đoán GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng 0,6% trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế Hoa Kỳ có thực sự tốt lên khi áp thuế quan đối ứng?
Tổng thống Trump cho rằng các mức thuế của ông sẽ mang lại việc làm cho người dân - việc làm sẽ từ nước ngoài “chảy” trở lại vào Hoa Kỳ. Đây là một chủ đề gây tranh cãi, nhưng ngay cả khi điều này là đúng thì các thuế quan quá cao vẫn có thể sẽ kéo theo chi tiêu của hộ gia đình giảm xuống. Trong khi đây lại là bộ phận đóng góp tới 70% cho GDP.
Theo Yale Budget Lab, các mức thuế được Tổng thống Trump công bố vào ngày 2/4 sẽ nâng tỷ lệ thuế quan trung bình của Hoa Kỳ từ 2,5% vào năm 2024 lên khoảng 22,5%. Khi kết hợp với các mức thuế khác mà ông Trump tuyên bố áp dụng vào tháng 2 và tháng 3, điều này sẽ làm tăng giá cả hàng hóa tăng 2,3% trong ngắn hạn, tương đương với mức giảm 3.800 USD sức mua của mỗi hộ gia đình. Theo giám đốc kinh tế của tổ chức này, ông Ernie Tedeschi, điều này cũng khiến tăng trưởng GDP quý 4 chỉ đạt khoảng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thống Trump đã lập luận rằng từ những năm 1980, hệ thống thương mại toàn cầu đã bị thao túng để chống lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho đến tuần trước, phần lớn tại Phố Wall vẫn hy vọng rằng ông Trump coi thuế quan như một chiến thuật đàm phán tạm thời thay về lâu dài. Điều này càng được khẳng định dựa trên một số thông điệp từ ông Trump cũng như từ các quan chức hàng đầu của ông, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
Vào ngày 20/3, Goldman Sachs cho biết kết quả cuộc khảo sát với các nhà đầu tư cho thấy thị trường nhận định mức thuế quan trung bình của Hoa Kỳ sẽ chỉ tăng thêm 8,6 điểm phần trăm trong cả năm 2025. Tuy nhiên, vào ngày 2/4, ông Trump đã có động thái bất ngờ khi nâng mức thuế này lên gần 20 điểm phần trăm.
Trong bài viết trên mạng xã hội vào tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng chính sách của ông không bao giờ thay đổi, ám chỉ rằng sẽ không có chỗ cho các cuộc đàm phán. Nhưng vào ngày 4/4, ông Trump đã tuyên bố ông hài lòng trước việc Việt Nam đưa ra đề nghị bãi bỏ thuế quan để đổi lấy một thỏa thuận. Thị trường nhận định đó là một dấu hiệu cho sự sẵn sàng đàm phán. Cổ phiếu của hãng Nike, một công ty nhập khẩu từ Việt Nam, bật tăng trở lại.
Sự mâu thuẫn trong các tuyên bố của ông Trump càng làm tăng thêm sự bất ổn và khiến các công ty ngần ngại đưa ra các quyết định đầu tư lớn. “Tôi nghĩ lý do khiến bạn thấy nhiều biến động trên thị trường chính xác là vì các doanh nghiệp không biết mức thuế quan nào sẽ áp dụng sau một giờ nữa”, ông Tedeschi nói.
Hướng đi nào cho kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Kinh tế Hoa Kỳ trong những năm gần đây từng là “niềm ao ước” của nhiều quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng trung bình gần 3% kể từ năm 2022, vượt trội so với nhiều quốc gia đối thủ trên toàn cầu cũng như làm “im bặt” những hoài nghi về khả năng suy thoái trước việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất. Điều này dường như khiến một số nhà kinh tế đã ngần ngại khi nhắc đến một cuộc suy thoái trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, so với những lo ngại về cuộc suy thoái vào cuối năm 2022 và 2023 thì hiện nay, thị trường lao động tại Hoa Kỳ đang yếu hơn nhiều. Các hộ gia đình có thu nhập thấp đã phải căng ra trong nhiều tháng, và tỷ lệ nợ vay cũng đang gia tăng.
Hơn nữa, triển vọng hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách cũng dường như ít hơn so với những cú sốc kinh tế trước đó. Khi đại dịch Covid-19 buộc nền kinh tế phải đóng cửa vào đầu năm 2020, Quốc hội Hoa kỳ đã cấp hàng nghìn tỷ USD cho các gói cứu trợ và kích thích, trong khi Fed cắt giảm lãi suất và bảo lãnh cho các khoản vay.
Ban Hiệu quả Chính phủ của tỷ phú Elon Musk đang cắt giảm biên chế liên bang và đình chỉ nhiều hợp đồng liên quan. Đảng Cộng hòa tại Quốc hội gặp khó khăn trong việc điều hòa mục tiêu cắt giảm thuế trong khi thu hẹp thâm hụt ngân sách. Việc giảm thâm hụt ngân sách đáng kể có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Còn đối với Fed, trong hầu hết các cuộc suy thoái trước đây, việc tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm áp lực giá cả và giúp ngân hàng trung ương tự tin cắt giảm lãi suất. Nhưng khi cú sốc đến từ giá cả tăng cao, như giá dầu trong những năm 1970 hay thuế quan hiện nay, lạm phát có thể gia tăng ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn. Kết quả là, tình trạng suy thoái đình trệ sẽ khiến Fed khó đưa ra hướng đi của lãi suất.
Nếu tác động đối với lạm phát chỉ mang tính tạm thời và lạm phát có xu hướng giảm về 2% theo mục tiêu của Fed, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp nền kinh tế hồi phục bằng cách cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhận định lạm phát tiếp tục gia tăng, Fed sẽ tránh cắt giảm lãi suất cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng. Nhưng đến thời điểm đó, mọi thứ có thể đã quá muộn để ngăn ngừa một cuộc suy thoái.
“Fed đang bị trói tay, và tôi không nghĩ chính sách tiền tệ sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới. Tôi nghĩ chúng ta phải dựa vào sự kiên cường của người tiêu dùng Hoa Kỳ để hấp thụ cú sốc này nếu chúng ta muốn tránh được suy thoái trong năm nay”, bà Blerina Uruci, nhà kinh tế trưởng của T. Rowe Price, cho biết.
Bình Thanh/Báo Tin tức