Kinh tế Lâm Đồng có nhiều điểm sáng

Kinh tế Lâm Đồng có nhiều điểm sáng
17 giờ trướcBài gốc
Chợ Tam Thanh (Đặc khu Phú Quý) buổi sớm mai
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2025 của Lâm Đồng đạt 5,97% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,79%; đặc biệt, khu vực dịch vụ tăng mạnh 7,83%. Ngành dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế là 45,62%, nông - lâm - thủy sản chiếm 27,26% và công nghiệp - xây dựng 27,12%. Tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 16.862 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Lâm Đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng hơn 12 triệu lượt, tăng 20,26% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khách quốc tế tăng mạnh 56,09%, đạt 798,3 ngàn lượt.
Hoạt động xuất khẩu cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.527,21 triệu USD, tăng 28,31% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như alumin và hydroxit nhôm, cà phê nhân, thủy sản, hạt điều, và hoa tươi cắt cành đều có mức tăng trưởng tốt… Trong đó có những mặt hàng tăng trưởng ấn tượng bao gồm hạt điều tăng 194,12%, tiêu tăng 96,79%… Đáng chú ý là mặc dù có những chính sách thuế mới từ thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Lâm Đồng (chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ) vẫn chưa bị tác động đáng kể trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư khá khả quan, với 1.526 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký 8.495 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 0,23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng tăng 9,6%. Tỉnh đã cấp mới 28 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4.416,9 tỷ đồng. Nhằm thúc đẩy phát triển, Lâm Đồng tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Tiếp đà phát triển bền vững
Lâm Đồng đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục khẳng định vị thế và bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội sau sáp nhập.
Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là công tác giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhưng những điểm sáng trên là tiền đề, tạo đà quan trọng cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%, đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau sáp nhập mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu: Toàn thể cán bộ, công chức với cơ hội và trọng trách mới, phải có suy nghĩ lớn, hành động lớn; phải nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết; vượt lên trên những gì đã làm trước đây để đưa tỉnh nhà phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương: Phải có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp"; kiên định mục tiêu đề ra và tập trung thực hiện với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; phân công nhiệm vụ bảo đảm "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Lâm Đồng đang hội tụ thế mạnh của 3 vùng: Lâm Đồng ngàn hoa, Lâm Đồng biển xanh và Lâm Đồng đại ngàn biên cương; cùng với những định hướng chiến lược từ Trung ương và sự điều hành quyết đoán, toàn diện từ địa phương, cơ hội phát triển của tỉnh đang rộng mở, là thời cơ bứt phá cho các ngành, các lĩnh vực…
Lê Hoa
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te-lam-dong-co-nhieu-diem-sang-381778.html