Thực trạng chuyển đổi sang làng nghề du lịch
Hạ Thái là một làng nghề sơn mài có hơn 200 năm tuổi nhưng thương hiệu trên thị trường còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) tại Hạ Thái vẫn làm manh mún, nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng, chưa có những chiến dịch để quảng bá nét độc đáo riêng của làng nghề.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các sản phẩm của địa phương khác cũng khiến thị trường thu hẹp. Nhiều lao động trẻ trong gia đình rời bỏ làng quê lên thành phố lập nghiệp.
Theo khảo sát của Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter tại Hà Nội của Công ty Coca-Cola Việt Nam, xã Duyên Thái có cụm công nghiệp làng nghề tạo điều kiện cho 238 hộ SXKD và doanh nghiệp nhưng hiện nay chỉ có 138 hộ, tương đương 58% vẫn làm nghề sơn mài, 100 hộ chiếm 42% đã chuyển nghề khác.
Showroom của hộ sản xuất kinh doanh sơn mài Hạ Thái. Ảnh: P.T.
Cuối năm 2024, Trung tâm EkoCenter Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Thái tổ chức chuỗi các buổi đào tạo về thương mại điện tử (TMĐT) cho các hộ SXKD làng nghề Hạ Thái - xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Mỗi buổi đào tạo thu hút hơn 100 học viên tham dự, được đào tạo “thực chiến”, tức giảng viên cung cấp những kiến thức cơ bản và học viên được thực hành ngay tại lớp học với chính sản phẩm của mình.
TMĐT là xu thế bắt buộc để giúp Hạ Thái có cơ hội duy trì nghề truyền thống và phát triển nhưng ứng dụng còn rất hạn chế. Phần lớn các hộ SXKD chỉ tập trung vào gia công bán thành phẩm, chưa hướng đến việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Thêm vào đó, thói quen kinh doanh truyền thống, chủ yếu dựa vào mạng lưới cá nhân và thực hiện các đơn hàng có sẵn đã ăn sâu vào tư duy và phương thức hoạt động, càng hạn chế khả năng mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Ở một khía cạnh khác, sơn mài Hạ Thái hiện đang nhận được nhiều quan tâm của chính quyền địa phương. Xã Duyên Thái, nơi có làng nghề sơn mài Hạ Thái, được lựa chọn để phát triển thành mô hình Trung tâm Thiết kế Sáng tạo, Giới thiệu, Quảng bá và Tiếp thị OCOP và làng nghề gắn với du lịch của TP. Hà Nội (**).
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào việc đào tạo cư dân làng nghề trở thành hướng dẫn viên du lịch, khuyến khích các công ty lữ hành hợp tác, thúc đẩy các nguồn lực xã hội cho hạ tầng du lịch, nâng cao năng lực phục vụ du khách của người dân địa phương và thúc đẩy du lịch văn hóa.
Làng sơn mài Hạ Thái đã có 5 hộ SXKD thực hiện mô hình kết hợp trải nghiệm nghề làm sơn mài, mở phòng trưng bày để đón khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, địa phương còn rất nhiều việc phải làm để phát triển được du lịch.
Hiện nay, các hộ gia đình chưa có đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để đón tiếp các đoàn du khách một cách chuyên nghiệp, quảng bá hiệu quả sản phẩm sơn mài, cũng như giới thiệu hấp dẫn về nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, làng nghề vẫn thiếu một không gian riêng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đồng thời chưa xây dựng được sự hiện diện trực tuyến thông qua một website riêng hay thương hiệu riêng biệt.
Một người dân trong buổi đào tạo sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa video, hình ảnh và đưa hàng lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: P.T.
TMĐT không chỉ là bán hàng
Hiện nay, các làng nghề thủ công truyền thống đối mặt với nhiều thách thức trong thị trường hiện đại, kể cả các làng nghề đã có tên tuổi như làng gốm sứ Bát Tràng hay làng lụa Vạn Phúc ở Hà Nội.
Sự cạnh tranh từ các sản phẩm sản xuất hàng loạt, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi và việc tiếp cận thị trường còn hạn chế có thể đe dọa đến tính bền vững của các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, những thách thức này cũng mang đến cơ hội cho sự đổi mới và phát triển.
Theo ông Bùi Quang Cường, Thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), các doanh nghiệp, hộ gia đình đang làm một cách đơn lẻ, một số gia đình đã bán hàng tốt hơn nhưng phát triển thương hiệu chung một cách bài bản thì cơ hội sẽ lớn hơn.
Theo ông, địa phương có thể thành lập một nhóm chuyên trách để xây dựng thương hiệu chung cho làng nghề Hạ Thái. Bà con làng nghề cũng có thể tận dụng internet, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích đặc điểm từng đối tượng khách hàng để tạo ra những sản phẩm phù hợp và cải tiến mẫu mã. Tuy sản phẩm là thủ công nhưng nếu một số công đoạn ứng dụng thêm công nghệ thì quy trình ra sản phẩm sẽ nhanh hơn nhiều và có thể làm với số lượng lớn mà lại tối ưu chi phí.
Chuyển đổi số và TMĐT cũng nhằm mục đích đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mức độ hiện diện nhiều hơn trên không gian internet, thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng, từ đó giúp các làng nghề có được cơ hội kinh doanh mới. Thậm chí, các hộ SXKD, các nghệ nhân có thể trở thành các nhà làm nội dung số chuyên nghiệp, thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Nhu cầu của du khách đến tham quan, trải nghiệm làng nghề sẽ kéo theo thu nhập gia tăng giá trị từ các dịch vụ đi kèm như ăn uống, trải nghiệm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làng nghề sẽ thu hút được nguồn đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng.
Cuộc chuyển đổi số của làng nghề cũng cần thay đổi tư duy như vậy, không chỉ đơn thuần là tiếp thị sản phẩm mà còn thay đổi cả mô hình kinh doanh, từ việc tiếp thị sản phẩm, làng nghề sẽ tận dụng cơ hội quảng bá để làm du lịch, bao gồm tham quan và trải nghiệm.
Bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng là nhu cầu bắt buộc trong tiến trình phát triển. Theo dữ liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), 69% du khách toàn cầu đang tích cực tìm kiếm các tùy chọn du lịch bền vững. Vì vậy, việc giữ gìn môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động là những điều làng nghề cần quan tâm.
Làng nghề cũng có thể hợp tác với nhiều đối tác như doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và các chương trình của chính phủ để tiếp cận các hỗ trợ thiết yếu như đào tạo, tài chính, khả năng tiếp cận thị trường, giúp làng nghề nâng cao kỹ năng, tăng năng suất sản xuất và tiếp cận khách hàng mới. Những nỗ lực hợp tác giữa nghệ nhân, doanh nghiệp và các tổ chức có thể tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và tính bền vững của các nghề thủ công truyền thống.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức khi hợp tác cùng làng nghề cần đi sâu và thực tế để có những hoạt động thiết thực, không phải làm cái doanh nghiệp muốn mà làm cái cộng đồng cần, tránh “tẩy xanh” (greenwashing) mang tính hình thức, không thực chất.
Nghệ nhân sơn mài Hạ Thái miệt mài giữ lửa cho làng nghề 300 năm tuổi. Ảnh: P.T.
Trở lại với chuỗi đào tạo kinh doanh thương mại điện tử thông qua dự án EkoArt tại EkoCenter Hà Nội, các hộ SXKD ở làng sơn mài Hạ Thái có cơ hội tiếp cận và thực hành các kỹ năng bán hàng, quảng bá trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, giúp cải thiện sinh kế.
Theo báo cáo sau khóa học, trong số 351 học viên, có 67% áp dụng công cụ AI như ChatGPT và CapCut để tăng hiệu quả, 13% đã lập được gian hàng trên sàn TMĐT Shopee. Các buổi đào tạo như thế này sẽ là tiền đề giúp các hộ SXKD ở làng nghề có những thay đổi quan trọng trong nhận thức kinh doanh và chuyển đổi số. Khi tư duy thay đổi thì hành động cũng sẽ đổi mới.
----------------------------
(*) Pioneer Marketing and Public Affairs
(**) Theo Kế hoạch số 49 ngày 10-2-2023 của UBND thành phố Hà Nội.
Phượng Trần (*)