Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm và hàm ý

Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm và hàm ý
5 giờ trướcBài gốc
GDP quí 1 vừa qua sụt giảm so với quí trước là do nhập khẩu tăng cao (41,3%) và chi tiêu chính phủ giảm (5,1%).
GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng không bao gồm nhập khẩu do hàng hóa nhập khẩu đã đi vào cầu trung gian (intermediate demand) và cầu cuối cùng (final demand). Về bản chất, hàng nhập khẩu được sản xuất ở nước ngoài và không trực tiếp đóng góp vào GDP (Xét theo phương pháp chi tiêu, GDP = C + I + G + E - M).
Mỹ và hầu hết các nước phát triển tính toán và ước lượng GDP dựa trên bảng Nguồn và Sử dụng (Supply and Use tables)(2). Như vậy, nhập khẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối cùng (C), chi tiêu chính phủ (G), và đầu tư/tích lũy (I), mà còn phục vụ cho cả cầu trung gian trong quá trình sản xuất.
Dựa vào số liệu của các nước, tổng nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất, gồm nhu cầu trung gian và đầu tư của Mỹ, là khá lớn - khoảng 60%, trong đó tỷ lệ nhập khẩu cho nhu cầu trung gian (intermediate demand) khoảng 29% và nhập khẩu cho tích lũy gộp (gross capital formation) khoảng 31%. Con số này đối với Trung Quốc là 85% (khoảng 70% cho nhu cầu trung gian và 15% cho tích lũy gộp), Việt Nam là 90% (khoảng 60% cho nhu cầu trung gian và 30% cho tích lũy gộp). Điều này phản ánh nhu cầu nhập khẩu là quan trọng đối với mọi nền kinh tế, nó cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam vẫn là những “nền kinh tế gia công của thế giới”.
Số liệu của BEA cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 1- 2025 tuy giảm nhưng tiêu dùng cuối cùng vẫn đạt tăng trưởng dương so với quí trước (hình 2). Cần lưu ý rằng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của Mỹ, tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình dao động quanh mức 67-69%, với xu hướng giảm dần từ mức cao 68,6% (năm 2011) xuống 67% (năm 2019). Năm 2020 tỷ trọng này giảm mạnh xuống 66,6%, do đại dịch Covid-19 gây ra hạn chế tiêu dùng. Giai đoạn 2021-2024 cho thấy có sự phục hồi rõ rệt, với tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng lên 68,1% vào năm 2021, sau đó ổn định quanh mức 67,8-67,9% trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân trong quí 1-2025 cũng đạt tăng trưởng dương so với quí trước (khoảng gần 4%).
Chi tiêu chính phủ (government spending)(3) giảm là một nguyên nhân dẫn đến sự giảm GDP của Mỹ. Dựa trên dữ liệu từ Cổng Dữ liệu kinh tế liên bang (FRED)(4), chi tiêu chính phủ Mỹ trong quí 1-2025 giảm 0,36% so với quí 4-2024, nhưng tăng 2,42% so với quí 1-2024. Sự giảm này có thể đến từ sự thu hẹp bộ máy và chi tiêu tiết kiệm hơn do hoạt động của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của Mỹ. Lưu ý rằng bộ này ra đời bởi quyết định hành pháp của Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1-2025, với mục tiêu chính là cắt giảm chi tiêu liên bang và tăng hiệu quả quản lý(5).
Kết luận, GDP là một chỉ số kinh tế vĩ mô phản ánh nền kinh tế trong ngắn hạn và có ý nghĩa hạn chế. Sự sụt giảm về tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 1-2025 do nhập khẩu tăng và chi tiêu chính phủ giảm. Số liệu cho thấy mức độ toàn cầu hóa cao và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và nền kinh tế Mỹ không phải ngoại lệ. Như vậy, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với các quốc gia có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất đáng kể trong thời gian tới đến chính nền kinh tế Mỹ.
Đặc biệt, sau khi hết thời hạn Mỹ tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia (90 ngày, từ ngày 9-4-2025), nếu mức thuế quan không có sự thay đổi theo hướng giảm thì có nguy cơ chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ sẽ tăng cao gây ra các hệ lụy cho chính nền kinh tế Mỹ. Điều này hàm ý rằng nền kinh Mỹ sẽ đứng trước thử thách lớn khi chính sách thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước chưa phát huy tác dụng thì chính nền kinh tế có thể đã “lãnh đủ hậu quả” từ chính sách này.
(*) Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội
(**) Trường Đại học FPT
(1) BEA. Gross Domestic Product, 1st Quarter 2025 (Advance Estimate). BeaGov 2025. https://www.bea.gov/news/2025/gross-domestic-product-1st-quarter-2025-advance-estimate.
(2) Theo Richard Stone trong SNA (Nobel, 1984), ý niệm này như là bước trung gian trong quá trình lập bảng IO
(3) Trong bảng SUT của Mỹ, chi tiêu chính phủ không tách ra chi thường xuyên và chi đầu tư
(4) FRED. Real Gross Domestic Product 2025. https://fred.stlouisfed.org/series/GDPC1.
(5) https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/01/establishing-and-implementing-the-presidents-department-of-government-efficiency/.
Khúc Văn Quý (*) - Bùi Trinh (**)
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/kinh-te-my-tang-truong-am-va-ham-y/