Kinh tế Nga chông chênh giữa 'sóng ngầm' chiến tranh thương mại

Kinh tế Nga chông chênh giữa 'sóng ngầm' chiến tranh thương mại
3 giờ trướcBài gốc
Kinh tế Nga không nằm trong tầm ngắm của cuộc “tấn công” thuế quan của Nhà Trắng, nhưng không có nghĩa là họ được đứng ngoài trận tuyến. Trong ảnh: Một tàu chở dầu của Tập đoàn năng lượng Nhà nước Nga - Rosneft. (Nguồn: Tass)
"Thoát lửa, không thoát khói"
Kinh tế Nga dường như không nằm trong tầm ngắm của cuộc “tấn công” thuế quan của Nhà Trắng, nhưng lại không thể đứng ngoài trận tuyến. Trên thực tế, giá dầu giảm sâu, đồng nội tệ (Ruble) suy yếu, ngân sách thâm hụt và lạm phát tăng cao — tất cả đang đặt nền kinh tế Nga vào một thế trận phức tạp giữa thời điểm biến động và bất định.
Kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các đợt thuế mới với Trung Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác, lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Những đợt tăng thuế này không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại mà còn khiến chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt tại các nền kinh tế châu Á, kéo theo sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu, vận chuyển và tiêu thụ năng lượng.
Về mặt kỹ thuật, Nga không phải là đối tượng trực tiếp trong cuộc chiến thương mại này, do kim ngạch thương mại Nga - Mỹ rất hạn chế và Moscow cũng là nền kinh tế hiếm hoi không nằm trong danh sách các quốc gia bị Tổng thống Trump đánh thuế. Tuy nhiên, nước này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề thông qua kênh thị trường năng lượng – trụ cột của nền kinh tế Nga.
Theo dự báo của Goldman Sachs, nếu Mỹ tránh được suy thoái và giảm bớt các mức thuế, giá dầu Brent có thể duy trì ở mức 62 USD/thùng vào tháng 12/2025. Nhưng nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, mức giá này có thể chỉ còn khoảng 58 USD/thùng — một kịch bản gây thiệt hại lớn cho những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như Nga.
Trong khi đó, chính phủ Nga đã xây dựng ngân sách năm 2025 trên cơ sở giá dầu Urals trung bình đạt 69,70 USD/thùng.
Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh lo ngại về chiến tranh thương mại, giá dầu chuẩn Urals của Nga đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 6/2023, trang web tin tức RBC đưa tin vào tuần trước, trích dẫn ước tính của Argus Media.
Sự sụt giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu không chỉ gây áp lực lên giá dầu, mà còn đe dọa vị thế xuất khẩu năng lượng của Nga. Các quốc gia tiêu dùng lớn ở châu Á có thể tận dụng bối cảnh hiện tại để đàm phán các mức giá sâu hơn với Moscow, đặc biệt khi họ có thể lựa chọn từ các nhà cung cấp khác như Trung Đông hoặc Mỹ.
Mỗi khi giá dầu giảm 10 USD/thùng, Nga mất khoảng 17 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. Tuy con số này chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 (đạt 425,1 tỷ USD), nhưng về mặt ngân sách, đây vẫn là một khoản thâm hụt lớn.
Dù vậy, việc khai thác dầu tại Nga vẫn có thể duy trì được. Theo ước tính do nhà phân tích Sergei Vakulenko cung cấp, chi phí trung bình để khai thác, chế biến và vận chuyển dầu đến các cảng xuất khẩu của Nga chỉ khoảng 17 USD/thùng. Điều này giúp các công ty Nga trong ngành vẫn có lãi, ngay cả khi giá dầu rơi về vùng 50 USD.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận sụt giảm đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp mang về ít ngoại tệ hơn và tất nhiên, phần nộp vào ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh tương ứng.
Và khi dòng ngoại tệ yếu đi, đồng Ruble chịu áp lực mất giá, sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa nhập khẩu tại Nga tăng mạnh – một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh lạm phát đang tiệm cận 10%.
Khoảng 25% trong giỏ hàng tiêu dùng của người Nga hiện nay là hàng nhập khẩu. Chiến tranh thương mại toàn cầu có thể khiến những mặt hàng như ô tô, công nghệ, quần áo... trở nên đắt đỏ hơn đáng kể.
Một ví dụ cụ thể được CNN dẫn lại từ phân tích của UBS Investment Research cho thấy, một chiếc iPhone 16 Pro Max 256GB lắp ráp tại Trung Quốc có giá bán lẻ hiện tại là 1.199 USD có thể tăng lên 1.999 USD do ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan toàn cầu.
“Cái bóng” suy thoái phủ bóng
Nga tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp thuế quan của Mỹ, nhưng “dư chấn” từ căng thẳng thương mại toàn cầu đang từng bước bào mòn nền kinh tế vốn đã chịu nhiều sức ép. Khi giá dầu không còn là "vùng an toàn", đồng Ruble lao dốc, chi tiêu chính phủ phình to và lạm phát chưa thể kiểm soát, nguy cơ suy thoái là điều không thể xem nhẹ.
Trong ngắn hạn, Nga vẫn có thể xoay sở bằng các nguồn lực còn lại. Nhưng nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, những lựa chọn tài khóa và chính sách sẽ ngày càng bị thu hẹp — đặt ra bài toán hóc búa cho giới hoạch định chính sách ở Moscow trong thời gian tới.
Những biến động về giá dầu và doanh thu xuất khẩu sẽ nhanh chóng phản ánh lên tình trạng ngân sách. Nga kết thúc năm 2024 với mức thâm hụt 3,5 nghìn tỷ Ruble (34,4 tỷ USD). Trong khi đó, quỹ tài chính dự phòng – từng là “lá chắn” ngân sách – đã bị tiêu hao hơn 50% kể từ khi chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine bắt đầu.
Đáng chú ý, trong quý I/2025, thâm hụt ngân sách của Nga đã lên tới 25,5 tỷ USD – cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước và lớn hơn cả mức thâm hụt được lên kế hoạch cho cả năm.
Nguyên nhân chính là doanh thu từ dầu khí giảm gần 10%, trong khi chi tiêu ngân sách tăng gần 25%. Theo kênh phân tích tài chính MMI, Nga đã chi tới 27,1% tổng ngân sách dự kiến cả năm chỉ trong 3 tháng đầu 2025 – mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Với nguồn thu giảm sút và lạm phát chưa được kiểm soát, chính phủ Nga sẽ buộc phải cắt giảm các khoản chi – vốn là động lực chính giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế suốt thời gian qua.
Chuyên gia Pavel Ryabov từ Spydell Finance cảnh báo, thâm hụt ngân sách hiện tương đương 14,5% tổng doanh thu – mức nằm trong vùng rủi ro vàng. Nếu vượt ngưỡng 20%, Nga có thể rơi vào khủng hoảng tài khóa.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng từng xác định chiến tranh thương mại toàn cầu là rủi ro tiêu cực hàng đầu trong bản dự báo kinh tế 2025–2027 công bố tháng 8/2024. Theo đó, trong kịch bản xấu, Ngân hàng dự đoán nền kinh tế Nga có thể suy giảm tới 4% trong năm 2025 và tiếp tục giảm 2% trong năm 2026, cùng với kịch bản quỹ dự phòng quốc gia cạn kiệt ngay trong năm tới.
(theo Moscow Times)
Minh Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/kinh-te-nga-chong-chenh-giua-song-ngam-chien-tranh-thuong-mai-311264.html