Theo thống kê do Công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản - Teikoku Databank (TDB), tổng hợp từ 195 nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu của Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 1 - 4/2025, các công ty này dự định sẽ nâng giá 6.121 mặt hàng tiêu dùng, với mức tăng trung bình 18%. Đây đều là các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày như: các sản phẩm từ sữa, đồ uống các loại, thực phẩm đã qua chế biến, bánh mỳ, các sản phẩm từ gạo...
Có 2 nhóm nguyên nhân chính được đưa ra để giải thích cho tình trạng trên. Thứ nhất là sự leo thang của giá nguyên liệu, chi phí năng lượng, chi phí bao bì, dịch vụ vận chuyển, chi phí nhân công, và thứ hai là việc đồng Yên mất giá. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng này sẽ còn tiếp tục tục kéo dài, và cho dù giá cả có hạ xuống, cũng không quay lại mức độ mà người tiêu dùng có thể an tâm chi tiêu.
“Biến động giá cả hiện nay là do tâm lý cạnh tranh căng thẳng quá mức của các nhà cung cấp. Do đó, trong giai đoạn đầu của năm 2025 vật giá vẫn sẽ tăng cao, ít nhất phải đến cuối mùa Xuân mới bắt đầu chững lại. Trong trường hợp nếu giá có giảm, sớm nhất cũng phải từ tháng 6 sang năm trở đi”, Tiến sỹ kinh tế học Ogawa Hideo thuộc Đại học Utsunomiya nhận định.
Cũng theo báo cáo của TDB, chỉ riêng trong năm 2024, tại thị trường Nhật Bản, đã có tới 12.520 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá, với mức giao động từ 8% - 23%. Đây được coi là mảng tối nhất trong bức tranh kinh tế Nhật Bản, gây ảnh hưởng xấu tới sức phát triển chung của cả đất nước và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.
Tuấn Nhật, Ngọc Huân/VOV-Tokyo