Sáng ngày 5/2, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu năm, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực và nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 - Ảnh: VGP.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các chỉ số tăng trưởng khả quan
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ. Cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính.
Hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu trong dịp Tết. Thu Ngân sách Nhà nước đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,07 tỷ USD, xuất siêu 1,23 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%.
Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8%). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ.
"Các hoạt động kinh tế, xã hội, tiêu dùng sôi động hơn, phản ánh niềm tin, kỳ vọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới
Phát biểu chủ trì phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại vừa qua Trung ương đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đóng góp thêm ý kiến về giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng chỉ đạo, với mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng của các địa phương.
Cùng với đó, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Thủ tướng đề nghị dự báo, phân tích sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu.
Từ đó, cần đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Đỗ Kiều