Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế số tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử,... không chỉ mang lại những thay đổi tích cực trong cách các doanh nghiệp, các tổ chức vận hành hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững, kinh tế số đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo Cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020 - 2024 lần lượt là 12,66%, 12,87%, 12,83%, 12,87% và 13,17%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP trong giai đoạn trên đạt khoảng 12,88%. Trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,99% (chiếm 62%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,89% (chiếm 38%).
Hình 1: Tỷ trọng giá trị tăng do các ngành được số hóa
Nguồn: Cục Thống kê
Bước sang năm 2024, ước tính tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có dấu hiệu phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Cụ thể, giá trị tăng thêm của các hoạt động kinh tế số ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 62,7 tỷ USD, chiếm 13,17% trong GDP.
Theo giá hiện hành, quy mô kinh tế số của toàn nền kinh tế năm 2024 tăng 14,1% so với năm 2023. Trong đó, các ngành kinh tế số lõi chiếm hơn 62%. Cụ thể, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm hơn 32% (tăng hơn 16% theo giá hiện hành); các ngành kinh tế số lõi khác như: Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, linh kiện điện tử, viễn thông, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, cổng thông tin… chiếm khoảng 30% có xu hướng tăng so với năm 2023.
Về quy mô kinh tế số từ giá trị sản phẩm cho thấy, năm 2024, tỷ trọng giá trị sản xuất của các hoạt động kinh tế số so với tổng giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế ước đạt 18,7%; nếu so với GDP của nền kinh tế thì tỷ trọng này lên tới 49,2%.
Đặc biệt với những nỗ lực từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, trong đó các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 7,15% vào năm 2024.
Cùng với các ngành kinh tế số lõi, một số ngành có giá trị tăng thêm kinh tế số cao như: Thương mại điện tử chiếm khoảng gần 14% trong tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số, theo giá hiện hành tăng khoảng 20% so với năm 2023; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm khoảng 4% và tăng gần 11% so với năm 2024...
Hình 2: Giá trị kinh tế số của ngành thương mại bán buôn, bán lẻ ứng dụng công nghệ số theo giá hiện hành các năm từ 2021- 2024
Nguồn: Cục Thống kê
Về đóng góp quy mô nền kinh tế số theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2025 có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP trên 20%. Trong đó, có thể kể tới như: Bắc Giang (43,6%), Bắc Ninh (42,5%), Thái Nguyên (35,5%), TP. Hải Phòng (27,2%), Vĩnh Phúc (26,8%). Ngoài ra có 7 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10 -20%; 51 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5 - 10%.
Theo giá so sánh, tăng trưởng của các hoạt động kinh tế số năm 2024 ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hoạt động kinh tế số lõi tăng 9,9% và hoạt động số hóa của các ngành tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành có tăng trưởng kinh tế số cao như: Ngành Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng hơn 20%; hoạt động hỗ trợ khai khoáng tăng trên 30%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21%; hoạt động bưu chính và chuyển phát tăng 30%; hoạt thộng thương mại bán buôn, bán lẻ tăng hơn 14%.
Bình quân giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng của kinh tế số ước đạt 8,7%, trong đó khu vực dịch vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trung bình cả giai đoạn tăng 9,7%; khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng 7,1% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,8%.
Hình 3: Top 10 tỉnh thành có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP cao nhất và thấp nhất năm 2024
Nguồn: Cục Thống kê
Kinh tế số đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Kinh tế số ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Việc xây dựng một nền kinh tế số mạnh mẽ không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra đời có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế và có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao và có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, đưa các quan điểm chỉ đạo đi vào thực tế phát huy hiệu quả, thời gian qua, Chính phủ cũng đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ thông qua chiến lược chuyển đổi số quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ và phát triển hạ tầng số. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.
Với những thành quả đạt được và mục tiêu đặt ra cho Việt Nam cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế số sẽ là những tiền để, động lực quan trong đưa Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc./.
Trang Nguyễn