Kinh tế số Việt Nam và thách thức 'tăng trưởng như Thánh Gióng'

Kinh tế số Việt Nam và thách thức 'tăng trưởng như Thánh Gióng'
12 giờ trướcBài gốc
Ba kịch bản cho mục tiêu 20% vào năm 2025
Tại diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2030" ngày 15/7 tại Hà Nội, GS, TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đã có những phân tích sâu sắc về thực trạng và đưa ra các kịch bản cho chặng đường sắp tới.
Kinh tế số được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, giúp Việt Nam xác lập phương thức tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng xanh. Kinh tế số Việt Nam hiện được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang tồn tại là sự thiếu nhất quán trong các số liệu thống kê. Điều này gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách và đánh giá hiệu quả.
"Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) công bố tỷ trọng kinh tế số năm 2024 của Việt Nam mới đạt 13,17%. Với con số này, để đạt mục tiêu 20% vào năm 2025, nền kinh tế số sẽ cần một tốc độ tăng trưởng "như Thánh Gióng".
GS, TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lại ước tính con số này hiện đã đạt khoảng 18%. Nếu dựa trên số liệu này, mục tiêu 20% là hoàn toàn khả thi", chuyên gia nêu.
Bên cạnh sự chênh lệch dữ liệu, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chỉ ra một "nghịch lý Solow" đang hiện hữu tại Việt Nam. Đó là đầu tư cho công nghệ thông tin tăng rất mạnh nhưng tăng trưởng năng suất lại không tương xứng. Điều này cho thấy hiệu quả của việc đầu tư và chuyển đổi số còn nhiều vấn đề.
Từ thực trạng trên, GS, TS Trần Thọ Đạt đã đưa ra ba kịch bản để đánh giá khả năng đạt được mục tiêu 20% GDP từ kinh tế số vào năm 2025.
Kịch bản 1: Tăng trưởng đột phá: Dựa trên con số 13,17% của Cục Thống kê, Việt Nam sẽ cần một sự tăng trưởng vượt bậc, gấp nhiều lần so với giai đoạn qua. Đây là một thách thức cực lớn, gần như không khả thi nếu không có những cú hích đột phá.
Kịch bản 2: Tính toán lại toàn diện. Cần tính toán lại giá trị của kinh tế số một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Nếu theo con số ước tính 18% của Ủy ban Quốc gia, khả năng đạt 20% vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Điều cốt yếu là phải tập hợp được tất cả các yếu tố cấu thành kinh tế số.
Kịch bản 3: Đầu tư chiến lược. Đây là kịch bản dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm. Theo giáo sư Đạt, chỉ khi "kinh tế số lõi" phát triển vững chắc, "kinh tế số lan tỏa" mới có thể phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.
So sánh với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, theo chuyên gia, Việt Nam có những lợi thế và hạn chế riêng.
Về thể chế, Việt Nam là một trong những nước đi đầu khi sớm có luật về công nghiệp công nghệ số và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi đó, về hạ tầng và nhân lực, đây lại là những điểm nghẽn lớn. Dù độ phủ sóng Internet rộng, tỷ lệ thuê bao 5G còn thấp và tồn tại chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận giữa thành thị và nông thôn. Nguồn nhân lực số tuy đông về số lượng nhưng chất lượng lại bị đánh giá thấp hơn mức trung bình của ASEAN.
Giải pháp cốt lõi
Để kinh tế số thực sự trở thành động lực tăng trưởng, GS, TS Trần Thọ Đạt cho rằng, giải pháp cốt lõi nằm ở việc đầu tư vào hạ tầng.
"Trong thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến các dự án lớn về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nếu coi kinh tế số là động lực tăng trưởng mạnh, chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ tương xứng cho nó. Tôi rất mong muốn Chính phủ có những dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm", GS Trần Thọ Đạt đề xuất.
Theo lý giải của Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông mà "bỏ quên" hạ tầng số, sẽ rất khó để kinh tế số phát huy hết tiềm năng. Do đó, các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới phải là: hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách thực chất. Chỉ khi đó, mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP mới có thể trở thành hiện thực.
Minh Thu
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/kinh-te-so-viet-nam-va-thach-thuc-tang-truong-nhu-thanh-giong/20250716093403517