Kinh tế thế giới 2025: Thách thức và kỳ vọng

Kinh tế thế giới 2025: Thách thức và kỳ vọng
2 ngày trướcBài gốc
Năm 2024 có thể xem là một năm đầy biến động của kinh tế thế giới với những gam màu sáng tối đan xen.
10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới 2024
Năm 2024 có thể xem là một năm đầy biến động của kinh tế thế giới với những gam màu sáng tối đan xen, từ xu hướng hạ lãi suất ở các ngân hàng Trung ương lớn giúp giảm bớt áp lực lên các hoạt động kinh tế, cho đến căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - EU, bầu cử Mỹ cùng các động thái kích thích tăng trưởng quyết liệt tại Trung Quốc.
Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed cho biết: "Ủy ban thị trường mở Liên bang quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm”.
Tuyên bố này của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed Jerome Powell đưa ra ngày 18/9/2024 có lẽ là quyết định được thị trường chờ đợi nhất trong năm 2024. Fed không phải là ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất, trước đó Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đã đưa ra quyết định tương tự vào tháng 6, nhưng việc nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ lãi suất vẫn có tác động quan trọng trong việc giảm bớt áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu.
Kinh tế thế giới tăng trưởng vượt kỳ vọng
Ông Pierre - Olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng IMF chia sẻ: "Chúng ta đã gần chiến thắng lạm phát. Chúng tôi dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% cho năm 2024 và 2025”.
Mặc dù chưa có số liệu cuối cùng cho kinh tế thế giới năm 2024, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo 3,2% đã vượt xa ước tính của chính IMF đưa ra vào tháng 10/2023, ở mức 2,9%, cho thấy sự bền bỉ của kinh tế toàn cầu.
Kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn
Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế châu Âu tiếp tục gặp nhiều khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như giá nhiên liệu cao và thiếu sức cạnh tranh. Đức đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm hai năm liên tiếp, trong khi Pháp cũng đã hạ dự báo tăng trưởng.
Căng thẳng thương mại có chiều hướng gia tăng
Ngày 31/10/2024, EU tuyên bố áp thuế lên tới 45% với các sản phẩm xe điện của Trung Quốc với lý do Bắc Kinh trợ cấp không công bằng. Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp mức thuế tương tự dao động từ 40-100%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tiếp tục leo thang khi Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến dưới 16 nm sang Bắc Kinh, đáp lại Trung Quốc siết chặt việc xuất khẩu khoáng sản quan trọng.
Trung Quốc chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ hợp lý
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay, từ cuối tháng 9/2024 Trung Quốc liên tục ban hành các gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó là động thái hạ nhiều loại lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo do Carry Trade
Ngày 19/3/2024, lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm. Động thái này đã mở đường cho quả bom carry trade - giao dịch chênh lệch lãi suất, khi giới đầu cơ đặt cược vào khả năng đồng Yen sẽ tiếp tục giảm giá, dẫn tới làn sóng bán tháo tài sản để cắt lỗ, làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu trong ba phiên liên tiếp, đỉnh điểm là ngày 5/8/2024. Sự kiện này đã thổi bay khoảng 6,4 nghìn tỷ USD vốn hóa khỏi các thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử
Năm 2024, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023. Sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu đã gây ra sức ép đối với các nhà sản xuất địa phương.
Sự ra đời công ước khung về A.I
Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thúc đẩy các hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" vì sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Ngày 5/9/2024, Mỹ, Anh, Canada, Israel, Nhật Bản, Argentina và EU đã ký kết Công ước khung về trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới, đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng có trách nhiệm với các hệ thống AI.
Sự trở lại của điện hạt nhân
Điện hạt nhân - từ chỗ bị xa lánh trở thành ngôi sao đang lên tại các hội nghị về khí hậu. Đã có 31 quốc gia ký cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050 như Canada, Pháp, Mỹ… Không chỉ các Chính phủ, các tập đoàn công nghệ lớn cũng đang coi điện hạt nhân là giải pháp để đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon, khi nhu cầu điện cho công nghệ AI tăng mạnh.
Thỏa thuận tài chính khí hậu lịch sử tại COP 29
Hội nghị COP 29 bế mạc ngày 24/11/2024 tại Azerbaijan đã thông qua thỏa thuận lịch sử với cam kết các nước phát thải giàu có trả ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để giúp các nước nghèo có đủ một nguồn tài chính khí hậu ứng phó với biến đổi khí hậu. Con số này tăng gấp ba lần so với 100 tỷ USD mỗi năm theo thỏa thuận hiện tại.
Dự báo lãi suất năm 2025
Có thể thấy, lãi suất là câu chuyện được đặc biệt quan tâm trong năm 2024. Đây nhiều khả năng cũng sẽ là câu chuyện được nhắc nhiều tới trong năm 2025.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB nhận định: "Trong năm 2025, chúng tôi dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm ba lần nữa vào các quý, đưa lãi suất tại Mỹ giảm xuống còn 3,75%. Như vậy, mặt bằng lãi suất tại Mỹ và nhiều nước khác vẫn sẽ trong xu hướng đi xuống trong năm 2025 nhưng quy mô cắt giảm còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát”.
Cùng với việc cắt giảm lãi suất, lạm phát tại Mỹ và châu Âu đều đang tăng lên và đã vượt mốc mục tiêu 2%. Tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể sẽ đẩy lạm phát lên cao và đây sẽ là một yếu tố cần được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc trong năm 2025.
Căng thẳng thương mại toàn cầu
Trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU. Căng thẳng thương mại được xem sẽ còn phức tại hơn nữa khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.
Bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC nêu ý kiến: "Chính quyền mới của Mỹ sẽ có tác động lớn đến việc định hình lại chuỗi cung ứng tại châu Á trong năm tới. Chúng ta cần phải theo dõi các chính sách thực tế, tuy nhiên các chính sách này có thểdẫn tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đổ vào các quốc gia Đông Nam Á như những gì đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Tuy nhiên, nếu chính sách thuế không chỉ nhắm vào một nước mà cả thế giới thì lạm phát sẽ tăng mạnh tại Mỹ”.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng nhiều nước đang phải chuẩn bị sẵn sàng cho một sự căng thẳng thương mại lớn hơn trong năm 2025. Nếu Mỹ chỉ áp thuế 20% thì các công ty và doanh nghiệp vẫn có thể thích ứng được, nhưng nếu mức thuế tăng lên 60% thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều và các thiệt hại sẽ tăng lên đáng kể”.
Những thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc
Một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới trong các căng thẳng thương mại năm 2024 và dự báo cả trong năm 2025 là Trung Quốc. Trung Quốc đang đối diện với tình huống khó khăn khi cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều đang đứng trước nhiều sức ép.
Bên cạnh việc ghi nhận những điểm sáng trong năm 2024, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với nền kinh tế nước này, bao gồm những ảnh hưởng bất lợi do sự thay đổi của môi trường bên ngoài, hay những khó khăn nội tại như nhu cầu trong nước yếu, một số ngành công nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, áp lực việc làm và thu nhập gia tăng... Và dù không đề cập cụ thể, song giới phân tích nhận định, căng thẳng thương mại gia tăng sẽ là một trong những thách thức hàng đầu đối với kinh tế nước này trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc mới đây đã lần đầu tiên sau 14 năm đã điều chỉnh chính sách tiền tệ từ "thận trọng” sang "nới lỏng phù hợp”, đồng thời khẳng định sẽ "thực hiện chính sách tài chính tích cực hơn” với các biện pháp như tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách, mở rộng chi tiêu tài chính hay tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài…
Cũng tại kỳ hội nghị này, Trung Quốc đã tiếp tục khẳng định duy trì ổn định nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu và đề ra một loạt nhiệm vụ kinh tế trọng tâm của năm tới, bao gồm mở rộng nhu cầu trong nước, tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, cũng như tăng cường mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Đáng chú ý, nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước đã được đặt ở vị trí đầu tiên, cho thấy tầm quan trọng của việc mở rộng nhu cầu trong nước trong năm tới, khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, đồng thời cũng phản ánh định hướng lớn mà Trung Quốc đã đề ra là "lấy tiến bộ thúc đẩy ổn định”.
Diễn biến của giá dầu
Một chủ đề khác cũng rất nổi bật trong năm qua là căng thẳng Trung Đông và diễn biến của giá dầu. Tình hình của Trung Đông đang ngày càng nóng hơn với căng thẳng biển Đỏ kéo dài ngăn cản các tuyến đường vận tải biển quen thuộc cũng như rất nhiều cuộc xung đột tầm khu vực, nhưng trái với dự báo rằng giá dầu có thể tăng mạnh, giá dầu thô vẫn tương đối trầm lắng.
Việc giá dầu không có sự đi lên đáng kể nào thời gian qua, thực ra đến từ nhiều yếu tố, không hẳn do đà hồi phục của nền kinh tế thấp hơn kỳ vọng. Cụ thể, Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vẫn dự báo nhu cầu dầu trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày so với năm 2024. Nhưng giá dầu nhiều khả năng sẽ chỉ dao động xung quanh mức 75 USD/thùng vào đầu năm 2025 và có thể hạ xuống quanh mức 70 USD/thùng vào nửa sau năm 2025.
Giá dầu không đi lên được còn phải kể đến một yếu tố rất đáng chú ý là sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC+ đã tăng trưởng rất mạnh thời gian qua. Các khảo sát cho thấy, tăng trưởng sản lượng dầu của các quốc gia ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada, Brazil và Guyana đã chiếm tới khoảng 80% tổng mức tăng trưởng sản lượng dầu của thế giới trong năm 2024. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng tới 11% trong giai đoạn 2022-2024. Ngoài ra, xu thế phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng xe điện cũng đang là yếu tố kiềm giữ giá dầu rất đáng kể. Ngay tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu số một thế giới, dự báo cũng cho rằng, mức tiêu thụ dầu của Bắc Kinh sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, tức là chỉ hai năm nữa rồi đi xuống.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng khiến giá dầu không tăng được còn do tính chu kỳ. Một tính toán rất thú vị được các chuyên gia kinh tế thực hiện gần đây. Họ đã chỉ ra rằng, giá dầu thời gian qua tưởng đã biến động rất nhiều, nhưng nếu xét trong dài hạn 50 năm qua, thực tế giá dầu chỉ tăng 3,7% mỗi năm. Mức tăng này là bằng đúng mức tăng bình quân chỉ số giá tiêu dùng của thế giới, cũng 3,7% mỗi năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nghiên cứu dài hạn, giá dầu sẽ chỉ tăng ở mức tương đương chỉ số giá tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là sau một giai đoạn tăng mạnh mẽ, giá dầu tất yếu sẽ phải rơi vào một giai đoạn sụt giảm.
Rõ ràng, còn rất nhiều bất định liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, từ lạm phát, căng thẳng thương mại và các cuộc xung đột, nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng vào một sự tăng trưởng tích cực ở mức trên 3% như dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong năm tới.
Theo VTV.VN
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/18/196947/kinh-te-the-gioi-2025-thach-thuc-va-ky-vong.htm