Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới

Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới
16 giờ trướcBài gốc
Ngày 25/12, tại Tọa đàm ra mắt “Báo cáo Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới”, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại diện sở ngành trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã chia sẻ ý kiến về chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố; trong đó, Báo cáo do Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
*Tăng trưởng ổn định nhưng nhiều thách thức
Giáo sư. Tiến sĩ. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh (UEH) chia sẻ, Báo cáo Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh được thực hiện bằng cách áp dụng các lý thuyết kinh tế để phân tích và đánh giá những xu hướng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh trong tương quan kinh tế Việt Nam và thế giới. Dựa trên nền tảng khoa học này, báo cáo đánh giá và đề xuất các chính sách kinh tế nhằm đóng góp cho sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với chủ đề “Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới”, Báo cáo Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh lần này tiếp tục hoàn thiện chuỗi báo cáo hàng năm và trên nền tảng này không chỉ đóng góp cho thành phố mà còn cả vùng kinh tế phía Nam. Đặc biệt, báo cáo không chỉ dùng lại ở đóng góp vào việc đánh giá, xác định những lợi thế cạnh tranh và tiềm năng của Tp. Hồ Chí Minh mà còn gợi ý chính sách giải quyết thách thức trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới.
Theo báo cáo, trong năm 2024 nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với dự báo trước đó. Với bối cảnh này, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP cao, phản ánh sự phục hồi của tổng cầu hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, mức độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, nhưng tiêu dùng của người dân và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ so với xu hướng trước đại dịch COVID-19.
Riêng đối với kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, năm 2024, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa. Về cơ cấu kinh tế, ngành dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng cao và gần như đã lấy lại được xu hướng tăng trưởng trước đại dịch COVID-19, trong khi đó ngành công nghiệp và xây dựng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao và chưa quay lại xu hướng tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.
Về chuyển dịch trong nội bộ ngành, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, báo cáo đã phân tích cơ cấu công nghiệp của thành phố đang chuyển hướng sang ngành có giá trị cao. Điển hình, ngành công nghiệp truyền thống (dệt, trang phục và da) có xu hướng thu hẹp về sản lượng, ngành hóa dược tăng trưởng mạnh, ngành công nghiệp điện tử và cơ khí vẫn chưa có xu hướng gia tăng sản lượng bền vững kể từ sau đại dịch COVID-19.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và suất sinh lợi của vốn đầu tư thấp do chi phí đầu vào sản xuất cao.
Giáo sư. Tiến sĩ. Sử Đình Thành, Giám đốc UEH phát biểu. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Số liệu cho thấy thị trường lao động sau đại dịch COVID-19 đang có xu hướng thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo và một phần tương đối nhiều lao động quay trở lại Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo. Điều này phản ánh sự dịch chuyển ra khỏi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động một phần vẫn còn đang trong quá trình giằng co.
Trong bối cảnh các ngành công nghiệp thâm dụng lao động hoặc những khâu sản xuất sử dụng nhiều lao động đang có xu hướng dịch chuyển về các địa phương, Tp. Hồ Chí Minh cần phải tập trung nhanh chóng mở rộng liên kết vùng nhằm hình thành một mạng lưới chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, thực hiện liên kết vùng thành công sẽ tạo ra một tác động cộng hưởng lên tăng trưởng kinh tế của các tỉnh/thành trong vùng, chứ không riêng Tp. Hồ Chí Minh, còn trong trung hạn sẽ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam chủ động hơn trong sản xuất, đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
*Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Đại biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Trong ba thách thức trên, có thể thấy nếu tập trung giải quyết thách thức thứ ba về cơ sở hạ tầng là cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc tháo gỡ triệt để vòng xoáy luẩn quẩn giữa năng suất, tiền lương, lao động chất lượng cao và vốn đầu tư. Do đó, giai đoạn năm 2025 và những năm tiếp theo, thành phố cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành những công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm và thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính.
Còn Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Giảng viên khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước chỉ ra rằng, việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một thành phố đáng sống. Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2025 và giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.
Đáng chú ý, có sự dịch chuyển mang tính cấu trúc đang diễn ra trên nền kinh tế thế giới và trong chính nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà Tp. Hồ Chí Minh chỉ là một phần ở trong đó. Chính vì vậy, thành phố nên tập trung phân tích, xác định một số ngành kinh tế mà thành phố có lợi thế cạnh tranh, cũng như tiềm năng trong xu hướng phát triển chung của thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở này, thành phố thiết lập một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi để định hướng cho thị trường phát triển những chi tiết còn lại.
Mặt khác, xu hướng chung của thị trường trong nước và quốc tế còn cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh đang có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ nói chung, cụ thể là 2 ngành trụ cột là thương nghiệp bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi; 4 ngành tiềm năng (thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm); chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo.
Theo đó, thành phố cần phải tập trung xây dựng một cấu trúc nền tảng mà từ đó các ngành dịch vụ này có thể đột phá năng suất và phát triển mạnh hơn nữa, bao gồm cơ sở hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mỹ Phương/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/kinh-te-tp-ho-chi-minh-phuc-hoi-va-san-sang-sang-ky-nguyen-moi/358012.html