Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất xe điện ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: NY Times
Theo dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15-7, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng hàng năm 5,2% trong quí 2. Tốc độ tăng trưởng này chậm lại so với tăng 5,4% trong quí 1 nhưng cao hơn mức dự báo tăng trung bình 5,1% từ các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khả quan bất chấp lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ giảm 24% trong quí 2. Xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc vẫn tăng trong quí vừa qua nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường bên ngoài Mỹ. Trong khi đó, hàng loạt biện pháp kích thích tài khóa đã hỗ trợ nhu cầu tiêu dừng trong nước và hoạt động xây dựng.
Trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tính theo nhân dân tệ giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh (EU) và ASEAN lần lượt tăng 7,9% và 14,3%.
Sản lượng công nghiệp của Trung tăng 6,8% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn so với mức dự báo tăng 5,6% Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng 4,8% trong tháng trước, kém hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.
Trong tháng Sáu, doanh số đồ uống, thuốc lá và rượu cũng như mỹ phẩm đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dịch vụ ăn uống tăng chậm hơn nhiều. Điều này đã kìm hãm mức tăng trưởng tiêu dùng tổng thể ngay cả khi doanh số thiết bị gia dụng, thiết bị truyền thông và đồ nội thất tiếp tục tăng vọt nhờ các khoản trợ cấp của Bắc Kinh.
Theo NBS, tiêu dùng đóng góp hơn 52% vào tăng trưởng kinh tế trong quí 2, chiếm tỷ trọng lớn hơn so với đầu năm 2025 nhưng giảm so với mức đóng góp hơn 60% vào một năm trước.
Đầu tư tài sản cố định ở Trung Quốc tăng 2,8% trong sáu tháng đầu năm, trong khi đầu tư bất động sản giảm 11,2%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 5% trong tháng Sáu, không đổi so với tháng Năm.
“Các dữ liệu trên cho thấy nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu trong nước vẫn yếu. Sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc không kéo dài”, Michelle Lam, nhà kinh tế của ngân hàng Societe Generale nhận định
NBS đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc duy trì động lực tăng trưởng tốt nhưng cảnh báo “có nhiều yếu tố bất ổn và không chắc chắn” ở bên ngoài khi nhu cầu trong nước “không đủ”.
Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại, xuống còn 4,6% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chính thức là khoảng 5%.
Tăng trưởng kinh tế tốt hơn kỳ vọng trong quí vừa qua giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để chuẩn bị các chính sách ứng phó tiếp theo trong trường hợp căng thẳng thương mại với Washington bùng phát trở lại khi thỏa thuận đình chiến thuế quan hiện tại kết thúc vào giữa tháng Tám.
Chính quyền trung ương và các địa phương vẫn còn hơn 7 nghìn tỉ nhân dân tệ (976 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu sẽ được phát hành trong nửa cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong những tháng tới, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức, bao gồm nguy cơ xuất khẩu chậm lại trong bối cảnh bất ổn liên quan đến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhu cầu trong nước vẫn còn mong manh, chịu áp lực giảm phát từ năng lực sản xuất dư thừa và niềm tin suy yếu khi lĩnh vực bất động sản tiếp tục ảm đạm.
“Giảm phát vẫn là mối đe dọa chính đối với kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán lẻ kém và dữ liệu bất động sản yếu cho thấy bất kỳ nỗ lực kích thích nào như trợ cấp không phải là giải pháp cho sự phục hồi tiêu dùng bền vững”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ nhận xét.
Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm là sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại của Mỹ, có thể ảnh hưởng đến đóng góp xuất khẩu cho GDP, theo Arindam Chakraborty, nhà kinh tế của ANZ.
“Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể sẽ tinh chỉnh các biện pháp kích thích để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm trong năm 2025”, Chakraborty nói.
Theo Bloomberg, Financial Times
Chánh Tài