Kinh tế Trung Quốc vẫn vững trước bão thuế quan, sản xuất công nghiệp tăng vượt dự báo

Kinh tế Trung Quốc vẫn vững trước bão thuế quan, sản xuất công nghiệp tăng vượt dự báo
10 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ SCMP ngày 19/5, do thỏa thuận tạm hoãn áp thuế quan trong 90 ngày vừa đạt được, nên tháng 4 là giai đoạn duy nhất ghi nhận tác động đầy đủ của các mức thuế ba chữ số trong dữ liệu kinh tế, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 19/5, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024, thấp hơn mức tăng 7,7% trong tháng 3 nhưng vẫn vượt dự báo 5,21%. 5,21% là dự báo của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo do hãng cung cấp dữ liệu tài chính Wind thực hiện.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố: “Kiên quyết tập trung làm tốt công việc của chính mình, kiên định mở cửa ở mức độ cao và chú trọng ổn định việc làm, doanh nghiệp, thị trường và kỳ vọng”.
Thông điệp trên được xem là lời khẳng định cần phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong bối cảnh tương lai của thương mại toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Doanh số bán lẻ trong cùng kỳ đã tăng 5,1%, thấp hơn mức tăng 5,9% của tháng 3 và cũng không đạt dự báo 5,48% như khảo sát của Wind.
Trong một ghi chú nghiên cứu trước khi dữ liệu được công bố, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết tăng trưởng bán lẻ được thúc đẩy nhờ các mặt hàng điện gia dụng và ô tô đạt doanh số mạnh và nhờ chương trình đổi mới hàng tiêu dùng đang được triển khai.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, doanh số bán lẻ ô tô trong tháng 4 đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Dữ liệu chính thức cũng cho thấy trong kỳ nghỉ lễ Thanh Minh kéo dài ba ngày, số lượng du khách nội địa trên toàn quốc và doanh thu du lịch nội địa lần lượt tăng 6,3% và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm 2025 đã tăng 4%, thấp hơn mức dự báo 4,26% của Wind, giảm nhẹ so với mức tăng 4,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong tháng 4 đạt 5,1%, giảm nhẹ so với mức 5,2% của tháng trước đó.
Trong bốn tháng đầu năm, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục giảm trong tháng trước. Mức sụt giảm là 10,3% so với cùng kỳ năm 2024, sau khi giảm 9,9% trong quý I.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Fu Linghui - người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp - cho biết: “Trong tháng 4, tác động từ các cú sốc bên ngoài đã gia tăng”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các chỉ số chính vẫn cho thấy tăng trưởng ổn định và nhanh chóng nhờ chính sách kinh tế vĩ mô được phối hợp nhịp nhàng, giúp nền kinh tế quốc gia chống chịu áp lực.
Trước đó, ngày 14/5, Mỹ và Trung Quốc đã đồng loạt thực hiện các cam kết đã đưa ra theo thỏa thuận tại Geneva (Thụy Sỹ) bằng việc giảm thuế quan và tạm dừng nhiều biện pháp phi thuế quan. Điều này đánh dấu một bước hạ nhiệt tạm thời trong cuộc chiến thương mại căng thẳng đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng quốc tế.
Bắt đầu từ trưa ngày 14/5, mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm xuống 30%, trong khi mức thuế của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ xuống 10%. Việc giảm thuế này có hiệu lực trong 90 ngày.
Mỹ cũng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc, vốn ảnh hưởng đến các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu. Theo lệnh của ông Trump, các bưu kiện nhỏ như vậy sẽ bị đánh thuế 54% giá trị - giảm từ mức 120% - hoặc phải chịu khoản thanh toán 100 USD.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng cho biết sẽ tạm dừng một số biện pháp đáp trả phi thuế quan nhất định đối với Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã tạm dừng một số biện pháp phi thuế quan đối với 17 thực thể Mỹ bị Trung Quốc đưa vào danh sách thực thể không đáng tin cậy hồi tháng 4 và 28 thực thể Mỹ trong danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, những nguồn gốc gây căng thẳng thương mại sâu sắc giữa hai nước vẫn còn, khi mức thuế hiện tại của Mỹ vẫn cao hơn so với Trung Quốc, vì bao gồm mức thuế 20% xuất phát từ các ý kiến của ông Trump về việc Trung Quốc xuất khẩu hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl.
Vì thế, các nhà phân tích cảnh báo rằng thuế quan vẫn có khả năng được áp dụng trở lại sau 90 ngày. Bà Yue Su, nhà kinh tế trưởng tại The Economist Intelligence Unit, nhận định hai nước rất khó giảm thuế quan hơn nữa nguy cơ leo thang trở lại vẫn tồn tại.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/kinh-te-trung-quoc-van-vung-truoc-bao-thue-quan-san-xuat-cong-nghiep-tang-vuot-du-bao-20250519101610974.htm