Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu, với mức thuế cao hơn rất nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Trong đó, Việt Nam là một trong số những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất, lên tới 46%.
46% chưa phải mức thuế áp dụng chính thức
Bình luận về tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ tại chương trình “Cafe cùng chứng”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng những thông tin hiện vẫn chưa rõ ràng.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI. Ảnh: YT
Thời điểm áp dụng mức thuế cơ bản 10% từ ngày 5/4, còn mức thuế đối ứng được hiểu từ ngày 9/4, tức còn khoảng 1-2 tuần nữa mới diễn ra. Danh sách mặt hàng áp thuế cũng chưa rõ, cần có thông tin thêm để đánh giá các mặt hàng bị ảnh hưởng.
Theo ông Hưng, danh sách các nước bị ảnh hưởng không gây bất ngờ với thị trường. Trước đó đại diện thương mại Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá ước tính thương mại quốc gia, liệt kê 60 nước với các chính sách thương mại, rào cản thương mại và phi thuế quan của họ.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ là con số cao, ví dụ đối với Việt Nam là 90% thuế áp với hàng Mỹ, do đó mức thuế đưa ra áp dụng với Việt Nam 46%.
“Trong kịch bản xuất nhất, tác động đối với Việt Nam có thể rơi vào khoảng dưới 7% GDP, thay vì mức 1-1,5% như thời điểm mức thuế suất chỉ ở ngưỡng 10-15%”, ông Hưng cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tấm bảng ghi mức thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng cho các nước. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, theo Kinh tế trưởng SSI, con số này không quá ý nghĩa vì chính sách thuế quan mới không chỉ ảnh hưởng tới danh sách 60 quốc gia mà còn cả thế giới. Suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi và việc tính toán cần nhìn nhận ở góc độ rộng hơn.
“Mức độ ảnh hưởng có thể so sánh với các đợt suy thoái kinh tế thế giới trong quá khứ, chẳng hạn như giai đoạn dịch Covid-19”, ông nói.
Một cách lạc quan hơn, ông Hưng cho rằng mức thuế 46% đối với Việt Nam hay 34% đối với Trung Quốc có thể được xem là mức trần cho các quốc gia bắt đầu đàm phán với Tổng thống Mỹ để điều chỉnh giảm, chứ không phải mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.
“Chúng ta đã làm được nhiều việc thời gian qua thể hiện thiện chí trong xử lý mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Chẳng hạn, giảm thuế với 14 mặt hàng, chấp thuận đầu tư cho Starlink,… Hay mới đây, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam tới Mỹ, chúng ta đã có dự thảo nghị định liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược, thể hiện thiện chí trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại và đầu tư”, ông Hưng nói và nhấn mạnh đa số các vấn đề mà Mỹ nêu ra trong phần đánh giá chính sách của Việt Nam đều đã được xử lý.
Ông đánh giá, ảnh hưởng ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Do đó, có kỳ vọng rằng qua đàm phán, mức thuế thực tế áp dụng sẽ thấp hơn đáng kể.
“Giống như mọi cuộc chiến tranh thương mại khác, Việt Nam sẽ là bên hưởng lợi”, ông Hưng lạc quan.
Nhóm ngành an toàn trong "bão" thuế
Liên quan đến thị trường chứng khoán, Kinh tế trưởng SSI cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang trong tâm thế chờ.
“Rủi ro thuế quan đã thể hiện một cách xấu nhất. Tuy nhiên, sau khi xem xét phản ứng của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét đầu tư lại vào Việt Nam. Tin xấu đôi khi lại là cơ hội để họ xác định vùng giá phù hợp và giải ngân”, ông Hưng nói.
So với thời điểm chiến tranh thương mại 2018, P/E có lúc 23-24 lần thì bây giờ chỉ bằng một nửa. Vì thế, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh.
Dù vậy, Kinh tế trưởng SSI cũng lưu ý rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam phần lớn vẫn do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ, nên vẫn sẽ tồn tại bất ổn nhất định do tâm lý hoang mang.
Thêm nữa, ngày 9/4 tới đây không chỉ là ngày mức thuế mới có hiệu lực mà còn là thời điểm FTSE Russell công bố kết quả xếp hạng thị trường. “Đây có thể là cơ hội để thị trường phản ứng và tạo ra những điểm sáng mới”, theo ông Hưng.
Bàn về các nhóm ngành chịu ảnh hưởng, Kinh tế trưởng SSI nhận định những ngành xuất khẩu nhiều sang Mỹ bị tác động nhiều, chẳng hạn ngành thủy sản.
Theo ông Hưng, mức thuế 46% tương đương một mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Mỹ không có quá nhiều lựa chọn thay thế do các quốc gia khác cũng bị áp thuế.
Ngược lại, điểm sáng trong bối cảnh này là ngành điện. Ông Hưng lý giải đây là ngành hoàn toàn liên quan đến thị trường trong nước, mang tính chất "an toàn" trong bối cảnh này, bởi ngành điện là ngành đi theo tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam.
Về xu hướng đầu tư, Kinh tế trưởng SSI cho rằng dòng tiền toàn cầu sẽ có sự dịch chuyển. Thay vì tập trung vào các yếu tố tăng trưởng, nhà đầu tư sẽ ưu tiên yếu tố giá trị, lựa chọn các cổ phiếu có định giá thấp và doanh thu ổn định bất kể chu kỳ kinh tế.
“Thị trường hiện tại sẽ hướng tới chiến lược phòng thủ nhiều hơn, ưu tiên cổ phiếu có biến động thấp và ít chịu tác động từ các chính sách vĩ mô”, ông Hưng nhận định.
Yến Thanh