Mới đây, tôi đọc bài trên một tờ báo và rất tán đồng ý kiến của ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát khi ông bày tỏ quyết tâm muốn sản xuất đường ray (phần liên quan đến thép) cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ông bày tỏ chân thành: "Chúng tôi đầu tư vì một điều đơn giản: nếu không ai làm, thì Việt Nam sẽ không bao giờ có ngành công nghiệp đường sắt thực sự. Nếu đợi đủ đơn hàng, đủ chính sách, đủ cơ chế, thì lúc nào cũng đi sau".
Không bao giờ làm thì lấy đâu ra... kinh nghiệm
Tôi nhớ lại chuyện từng xảy ra ở Bộ Công nghiệp, được đăng trên báo Thanh Niên vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Họ từng tổ chức thẩm định đấu thầu cho ngành điện lực Hà Nội về sản xuất hộp chứa công tơ bằng chất liệu composite. Nay nghĩ lại thấy thật đáng tiếc về một chuyện không đáng có khi không một doanh nghiệp trong nước nào đủ điều kiện trúng thầu để sản xuất, dù chỉ là một cái hòm đựng công tơ điện. Nó quá đơn giản nhưng lại bị vướng rào cản chế định.
Cũng phải thừa nhận, theo quy chế tham gia đấu thầu cho một dự án có vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nó vướng một quy định đáng tiếc của chính ngân hàng nên doanh nghiệp trong nước đành thua đối thủ lấm lưng. Cuối cùng đành phải để doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm sản xuất thực hiện, thay vì một liên doanh giữa hai doanh nghiệp trong nước từng bắt tay và từng đấu tranh sau khi bị loại do không trúng.
Ngày đó, báo Thanh Niên đã lên tiếng về sự bất cập của việc tổ chức đấu thầu sản xuất hộp composite đựng công tơ cho ngành điện lực Hà Nội. Chuyện cụ thể thế này:
Gói thầu có nội dung cung cấp hộp công tơ bằng vật liệu composite số lượng vài vạn chiếc để đựng công tơ điện trong dự án cải tạo lưới điện toàn thành phố Hà Nội. Dự án được dùng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Giá trị gói thầu không hề lớn. Nó chỉ khoảng 2,5 triệu USD nhưng vẫn phải tuân thủ quy chế của người cho vay là "đã có kinh nghiệm sản xuất" và vẫn phải đấu thầu quốc tế. Vốn ODA chỉ được giải ngân sau khi nhà nước phê chuẩn hiệp định.
Khi chấm thầu, Công ty Alphanam đã trúng vì họ đưa ra mức giá thấp nhất. Nhưng thẩm định lại, hóa ra doanh nghiệp này chưa hề có cơ sở nào từng sản xuất ra sản phẩm tương tự. Tức là công ty chưa hội đủ tiêu chuẩn dự thầu mà ADB nêu ra.
Cuối cùng, hội đồng thẩm định của Bộ Công nghiệp đành chấp nhận để một công ty của Pháp (xếp thứ nhì) được trúng thầu.
Chuyện tưởng đơn giản, nhưng ngày ấy báo Thanh Niên như bị "giữa hai làn đạn" khi có vị lãnh đạo cao cấp nêu chất vấn, hồ nghi đấu thầu thiếu minh bạch. Các vị cho rằng ta không phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước và gợi ý báo Thanh Niên "nổ súng".
Một vài báo sau đó cũng nhập cuộc và sự việc đã được đưa ra chất vấn công khai tại Quốc hội. Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư còn bị quy trách nhiệm khá nặng nề khi có ý kiến cho rằng ông đã không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được trúng thầu dù họ đưa ra giá thấp nhất. Ông Đỗ Mười - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đến giải thích lý do bởi sự việc này khiến ông khá bức xúc.
Thời gian qua đi. Cái vỏ hộp công tơ composite ấy sau này doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất bởi nó quá đơn giản, đã cung cấp cho cả nước hàng chục triệu chiếc, phát huy nội lực thực sự khi thừa sức làm ra mà không vướng gì đến quy chế đấu thầu.
Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu nghiêm túc mà chúng ta đã tạo uy tín cao với ADB. Nhiều năm sau, ta đã giữ đúng cam kết, nghiêm túc thực hiện đúng quy chế đấu thầu, được các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế tin tưởng.
Có lần tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Công ty Alphanam, và trò chuyện. Ông tâm sự rằng ngày ấy bị bác thầu, ông không muốn kiện nhưng đối tác liên doanh đã gợi ý Alphanam nên chất vấn. Chính Thủ tướng Phan Văn Khải sau đó đã trách ông Hải rằng nếu cậu muốn kiện chính phủ thì cũng cần hiểu nguyên cớ vì sao bị xử như vậy. Ông Hải bảo đó là một bài học đắt giá trong đời làm kinh tế và ông đã "phải trả học phí" rất cao, không bao giờ quên.
Chuyện trên cho thấy, một khi đã cam kết với tổ chức/ngân hàng quốc tế thì phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, các doanh nghiệp ta nhiều khi chịu thua thiệt với doanh nghiệp nước ngoài chỉ bởi những lý do lãng xẹt, chẳng hạn "chưa có kinh nghiệm sản xuất". Vậy thì, một khi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, có cơ hội, rất cần được nhà nước tạo điều kiện, ủng hộ. Không bao giờ được sản xuất nó thì thử hỏi làm sao có kinh nghiệm được, trong khi sản phẩm đó doanh nghiệp ta sau mấy chục năm đã trưởng thành, lớn mạnh dư sức làm và làm tốt, giá thành rẻ hơn.
Cơ hội vàng của kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng
Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới (năm 1986), kinh tế tư nhân (KTTN) chỉ mới được xác định là một trong 5 thành phần kinh tế nhưng kinh tế nhà nước chiếm vai trò chủ đạo.
40 năm qua, có những lúc cả bộ máy vẫn phân vân đảng viên có được làm KTTN hay không, rồi mở hơn chút là "nhúc nhích cởi trói", cho phép được làm nhưng không được thuê lao động quá 12 người, nếu quá thì bị coi là bóc lột. Và sự cho phép "bung lụa" như lúc này đã khắc một dấu son vô cùng đặc biệt trong tư duy kinh tế cởi mở của Đảng.
Vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế quốc gia đã được nhìn nhận với con mắt khác. Từ ban đầu chỉ xem nó như một bộ phận nhỏ cấu thành của nền kinh tế quốc gia, nay KTTN được nhìn nhận tích cực, đúng đắn, chính xác hơn. Đó là cả quá trình đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế mà từ Đại hội 6 bắt đầu nhen nhóm.
Sau Đại hội 6, việc nhìn nhận, xác định vai trò của KTTN đã có thay đổi cơ bản. Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa 6 (15.7.1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa 6, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Tiếp đó, trong các văn kiện quan trọng của Đảng, vai trò của KTTN được khẳng định: "Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 9, tháng 3.2002), “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế", đồng thời KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (Nghị quyết Đại hội 10, tháng 4.2006). Ngoài ra, Đại hội 10 đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm KTTN.
Tại Đại hội 11 (năm 2011), vai trò KTTN được nâng tầm cao mới với việc đưa vào nghị quyết nội dung “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Đến Đại hội 12 (tháng 1.2016), Báo cáo Chính trị tại Đại hội, ngoài việc tiếp tục khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, lần đầu tiên khái niệm "tập đoàn kinh tế tư nhân" xuất hiện.
Báo cáo Chính trị Đại hội 12 chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước".
Có thể thấy, từ việc thừa nhận KTTN từ năm 1998 cho đến tận Đại hội 12 là một bước chuyển lớn, thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế nước ta.
Một năm sau, tháng 7.2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) đã ban hành nghị quyết về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", với quan điểm chỉ đạo: "Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng.
Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu".
Từ Đại hội 13, Đảng đã khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, để “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, vừa thúc đẩy KTTN tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng trong tình hình mới.
Và giờ đây, Nghị quyết 68 của Trung ương khóa 13 ra đời, KTTN được xem là động lực quan trọng nhất, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Trong bài Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, KTTN chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển KTTN, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người năm 1989 chỉ đạt 96 USD/người, đến nay Việt Nam đã vươn lên, vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 4.700 USD/năm, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 476,3 tỉ USD. Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của KTTN.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 31.12.2024, khu vực KTTN có hơn 940 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định xã hội...
Quay trở lại câu chuyện gần đây một số doanh nghiệp tư nhân là các tập đoàn kinh tế lớn, có khát vọng, muốn để nội lực tự làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, như tập đoàn Hòa Phát, tập đoàn Thaco Trường Hải, và đặc biệt là tập đoàn Vingroup thông qua doanh nghiệp mới lập ra. Theo đó, ngày 14.5, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cho biết đã đăng ký tham gia đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Doanh nghiệp này kỳ vọng có thể khởi công trước tháng 12.2025 và khai thác toàn tuyến trước tháng 12.2030 (giảm tới 5 năm so với kế hoạch cũ nếu nhà nước là chủ đầu tư). Nếu doanh nghiệp Việt giữ đúng cam kết về ngày dự án hoàn thành thì quả là một kỳ tích, rất đáng trân trọng.
Tôi không phải chuyên gia kinh tế nên không dám lạm bàn, song với cách giải thích khá thuyết phục của tập đoàn Hòa Phát khi muốn đăng ký làm ray tàu, theo tôi, rất nên ủng hộ. Tuy nhiên, nói như Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, vẫn cần cơ chế rõ ràng. Nếu ray nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế thì có được đưa vào danh mục đấu thầu trong nước? Nếu hệ số cạnh tranh giá tốt hơn, có được ưu tiên không?... Những điều đó phải có cơ chế cụ thể. Hết sức tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước lại bị bỏ lỡ cơ hội dự thầu như câu chuyện 25 năm trước.
Tại hội nghị sáng 18.5 phổ biến Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Xây dựng nghị quyết chỉ trong vòng 2 tháng nhưng đây là sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời và chất lượng, vừa nói lên tinh thần khẩn trương, vừa thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan đến phát triển KTTN".
Quốc Phong