Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1. Ảnh: S.t
Doanh nghiệp tư nhân tiếp tục tăng trưởng
Theo Sở Tài chính, đến tháng 5/2025, chỉ tính riêng 45 xã, phường, đặc khu của tỉnh Lâm Đồng (Bình Thuận cũ) có 7.162 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng từ mức dưới 4.000 doanh nghiệp năm 2017, đến hơn 6.800 doanh nghiệp năm 2024 và tiếp tục tăng đều trong năm 2025. Tỷ trọng đóng góp GRDP từ khu vực kinh tế tư nhân năm 2024 đạt khoảng 70,75%. Kinh tế tư nhân tạo việc làm cho hơn 78.000 lao động, đóng góp trên 2.468 tỷ đồng thu ngân sách nội địa, tương đương 24% tổng thu nội địa năm 2024.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, phần lớn doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn 45 xã, phường, đặc khu của tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Mặt khác, số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận vốn, tỷ lệ hấp thụ vốn thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân còn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành trụ cột: du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics…
Xuất phát từ thực tế này, UBND tỉnh đã xây dựng, đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030, phấn đấu có 12.000 doanh nghiệp hoạt động với nhóm ngành nghề chiếm tỷ trọng cao thuộc các lĩnh vực thương mại, dịch vụ lưu trú - du lịch, xây dựng và chế biến nông - hải sản, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đến năm 2030 đạt khoảng 11- 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế… Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…
Phát triển kinh tế tư nhân.
Còn gặp khó khăn
Tuy nhiên, thực tế hiện nay kinh tế tư nhân trên địa bàn 45 xã, phường, đặc khu của tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định. Đó là tình hình thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân giảm những năm gần đây do tình trạng chồng lấn, xung đột giữa các quy hoạch chậm được giải quyết. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất các dự án xảy ra phức tạp ở một số địa phương nên thủ tục giải quyết và thời gian tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư rất chậm... Vẫn còn tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực...
Đơn cử, ông Nguyễn Anh Trang - Tổng Giám đốc Công ty CP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận (Công ty Hoàng Quân) đã chia sẻ một số khó khăn từ thực tiễn của chính doanh nghiệp khi đang đầu tư và phát triển các khu công nghiệp và nhà ở xã hội tại một số tỉnh, thành phía Nam. Lãnh đạo Công ty Hoàng Quân cho biết, doanh nghiệp hoạt động trên 2 mảng, gồm khu công nghiệp là đầu tư xây dựng hạ tầng đón dòng vốn FDI và chuyển dịch sản xuất. Về nhà ở xã hội, cung ứng chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động…
Qua thực tế, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng có một số nút thắt lớn. Đó là pháp lý phức tạp, lợi nhuận giới hạn nhưng rủi ro cao. Cụ thể là nhà ở xã hội bị khống chế giá bán, nhưng không được ưu đãi tương xứng về vốn vay, miễn giảm thuế hay hạ tầng kỹ thuật. Quy định thì có nhưng chưa đủ hấp dẫn, chưa đi vào thực tế. Bên cạnh đó là thiếu quy hoạch tích hợp: Nhiều khu công nghiệp mọc lên không có nhà ở công nhân đi kèm, dẫn đến áp lực đô thị, giao thông, an sinh, trong khi doanh nghiệp lại gặp khó nếu chủ động đề xuất tích hợp 2 dự án. Khó từ việc tìm kiếm, bố trí quỹ đất phù hợp đến việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Tiếp đến là không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Điển hình như dự án Khu nhà ở xã hội KCN Hàm Kiệm 1 gần như là dự án duy nhất về nhà ở xã hội tại Bình Thuận đủ điều kiện để vay vốn, được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nào đồng ý cho vay vốn ưu đãi, chỉ vì rủi ro cao và việc bù lãi suất chưa rõ ràng, thiết thực. Do đó, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao chuyển quyết tâm chính trị thành hành động thực tế - đây là điều cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ từ các bộ, ngành và địa phương.
Một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập tại cuộc tọa đàm với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vào cuối tháng 5/2025: Doanh nghiệp, doanh nhân cùng Chính phủ, các bộ, ngành dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước tham gia kiến tạo phát triển, góp ý xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần để xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta theo hướng “ổn định bền vững, phát triển bền vững, tương lai bền vững”, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Vừa qua, để thực hiện tốt các nghị quyết, chính sách liên quan đến kinh tế tư nhân, chính quyền địa phương đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, triển khai thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật... Đồng thời, ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các quy định về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn... Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Song song, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, phát triển các cụm doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực thế mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, chú trọng lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, tiếp tục duy trì làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Mục đích tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Kiều Hằng