Chiều ngày 21-4, President Club - Câu lạc bộ kết nối các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, các cựu chính khách và nhà hoạch định chính sách của Việt Nam - đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn về những sáng kiến, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Kinh tế kế hoạch hóa lấn át kinh tế tư nhân
Tại cuộc thảo luận bàn tròn, TS. Võ Trí Thành khẳng định: Khi nhìn vào khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, điều đầu tiên là gắn liền với quá trình hơn 40 năm đổi mới cải cách. Đằng sau câu chuyện lớn nhất đó là xây dựng kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập và vai trò của khu vực này.
Ông Võ Trí Thành cũng khẳng định kinh tế tư nhân hiện nay vẫn bị cái bóng rất lớn của kinh tế kế hoạch hóa, vai trò của nền kinh tế kế hoạch hóa quá lấn át và đôi khi là tâm lý "sợ buông tay" của khu vực nhà nước.
"Tuy nhiên, đến bây giờ, sau hơn 40 năm, tôi khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển và tăng trưởng.Bên cạnh nhận thức, tư duy, vai trò nhà nước, thị trường thì câu chuyện tạo lòng tin bằng hành động và câu chuyện chính sách là điều phải bàn đến khi nói về việc phát triển kinh tế tư nhân" - ông Thành nói.
TS. Võ Trí Thành khẳng định kinh tế tư nhân hiện nay bị cái bóng rất lớn của kinh tế kế hoạch hóa. Ảnh: X.Đ
Tuy rằng trong quá khứ có nhiều chính sách cho kinh tế tư nhân đã được nhắc đến nhưng thực tế lại không thực hiện được, có những chính sách lại thực hiện nửa vời nên hiệu quả không cao…
Trong bối cảnh kinh tế mới, tư duy, xu hướng mới về phát triển kinh tế và cả những diễn biến kinh tế thế giới mới, ông Thành cho rằng đây là lúc chúng ta phải nhìn nhận lại rằng kinh tế tư nhân đang phải chịu nhiều sự cạnh tranh và cũng có nhiều điểm nghẽn về không gian phát triển, nguồn lực, nhân tố, dữ liệu…
Kinh tế tư nhân hiện nay gần như không nhận được ưu đãi
Tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc thảo luận, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết muốn phát triển kinh tế tư nhân thì bên cạnh việc ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân cần xử lý 2 vấn đề bất cập, bất bình đẳng với kinh tế tư nhân. Trước mắt, đó là doanh nghiệp nhà nước.
Theo bà Phạm Chi Lan, nếu không đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước mà vẫn theo lối cũ, nghĩa là doanh nghiệp nhà nước nằm trong khu vực kinh tế nhà nước – khu vực kinh tế chủ đạo – thì kinh tế tư nhân sẽ khó phát triển. Bởi theo bà, khi doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chủ đạo, khu vực kinh tế này có quyền kinh doanh, lời lãi thì doanh nghiệp hưởng mà thua lỗ thì nhà nước chịu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng kinh tế tư nhân chỉ nhận được phần 'vụn bánh' của thị trường. Ảnh: X.Đ
Ngoài ra, bà Lan cho rằng cần nhận thức rõ doanh nghiệp nhà nước đang cung cấp đầu vào cơ bản cho nền kinh tế như hạ tầng, điện, giao thông… với chi phí đầu vào khá cao. Do đó, nếu không buộc doanh nghiệp nhà nước cải thiện theo hướng chấp nhận cạnh tranh, tăng hiệu quả và kiểm soát việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực… thì dù có nhiều chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tư nhân thì chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ vẫn cao.
Vấn đề bất công tiếp theo với kinh tế tư nhân được bà Phạm Chi Lan chỉ ra đó là khu vực FDI, khu vực được ưu đãi thứ 2 sau kinh tế nhà nước.
“Đó là lý do các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nhận được phần vụn bánh của thị trường” - bà Lan nói và cho rằng cần xem lại những chính sách với khu vực FDI.
Bà Lan thừa nhận, thời gian trước, khi Việt Nam chưa có gì và ta cần các doanh nghiệp FDI nên những chính sách ưu đãi là phù hợp. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài tình trạng này bà Lan cho rằng sẽ xuất hiện tình trạng doanh nghiệp FDI được hưởng lợi nhiều nhưng không quan tâm tới cam kết với Việt Nam như chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân lực trong nước…
Ngoài ra, bà Lan nhận định đây là một cơ hội để Việt Nam hoàn toàn có thể nói "không" với những dự án không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường, hoặc không tạo được giá trị cao, sử dụng quá nhiều quỹ đất…
MINH TRÚC