Trong bối cảnh nhiều cuộc xung đột kéo dài và có xu hướng lan rộng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tình trạng đói nghèo và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về cường độ và số lượng, nền kinh tế toàn cầu năm 2024 đã nỗ lực “vượt khó”. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của kinh tế thế giới đạt 3,2% trong năm ngoái, đồng thời tiến tới mức 3,3% trong năm 2025. Đáng chú ý, một số nước, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ giữ vị trí dẫn đầu về tăng trưởng.
Bài viết trên tờ El Popular, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Uruguay, dẫn phát biểu mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15 mục tiêu chính của năm, đồng thời đạt mức tăng trưởng ước tính hơn 7% năm 2024. Bài viết nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam bởi đây là năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, có nhiều hoạt động kỷ niệm rất quan trọng, diễn ra việc tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa từ một tàu container đậu tại cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters
Cùng với đó, báo cáo của hãng tư vấn Oxford Economics (Anh) nhận định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 6,7% cho năm 2024 và 6,5% vào năm 2025 nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vững chắc và nhu cầu trong nước phục hồi nhanh. Oxford Economics cho rằng động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam trong năm 2025 vẫn là xuất khẩu hàng chế biến và chế tạo. Ngoài ra, hãng đặc biệt lưu ý về tiềm năng rộng mở của Việt Nam với “những luồng gió mới” trong ngành sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Oxford Economics kỳ vọng tăng trưởng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm nay đạt mức 7,2%, cao hơn mức 6,9% được dự báo cho năm ngoái.
Dự báo lạc quan trên của Oxford Economics khá tương đồng với một số tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Đơn cử, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngân hàng UOB của Singapore cùng nâng dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lên 6,6% vào năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân hàng HSBC đều tin tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% cho năm 2025. Về phần mình, ngân hàng Standard Chartered của Anh ước tính Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025. Những mức dự báo này sẽ giúp Việt Nam một lần nữa nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (hay còn gọi là ASEAN-6, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), cũng như ở cấp độ toàn cầu.
Đồng thời, trang Fibre2fashion của Ấn Độ dẫn kết quả khảo sát từ Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ (USFIA) cho biết, các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đang đầu tư vào máy móc tự động, số hóa và các hoạt động bền vững để nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng trong quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông qua khai thác các thị trường mới ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Tương tự, trang Financemiddleeast của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nêu rõ, một số nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philippines, sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Dữ liệu từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng 8,1% trong năm 2024, khẳng định Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mới nhất, thỏa thuận mang tính bước ngoặt của tập đoàn Nvidia mua lại VinBrain-nhà phát triển các sản phẩm ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam-không chỉ minh chứng cho tiềm năng của các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam mà còn đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ toàn cầu. Theo trang TechCrunch của Mỹ, sự trỗi dậy của ngành công nghệ giúp củng cố vai trò của Việt Nam là trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á. TechCrunch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đáng chú ý của các doanh nghiệp toàn cầu, vốn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhờ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, ngành sản xuất có sức cạnh tranh, hệ sinh thái công nghệ đang phát triển và các quan hệ đối tác thương mại chiến lược.
VĂN HIẾU