Ngày 12-12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức tiếp tục phiên thứ tư với chủ đề: "Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới", nhằm thảo luận chính sách, nắm bắt xu hướng, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy biến động.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Trong khi đó kinh tế thế giới trong năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng tương tự như năm nay, khoảng 3,2-3,3% do các thách thức lớn về bất ổn địa chính trị, lạm phát và lãi suất vẫn còn cao.
Cơ hội đan xen thách thức
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, Việt Nam phục hồi rất tích cực trong năm nay, và khả năng đạt mức tăng trưởng 7% là hoàn toàn khả thi. Năm 2025, các dự báo của thế giới đều cho rằng mức tăng trưởng khoảng 6,5%.
"Riêng chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ khoảng 6,6-6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn nếu phấn đấu đạt 7-7,5%", TS Lực nhận định.
Nhìn ra bên ngoài, kinh tế thế giới đang phục hồi tích cực, song vẫn còn đối mặt với 4 thách thức lớn: bất ổn địa chính trị, lạm phát vẫn duy trì xu hướng tăng và lãi suất vẫn ở mức cao.
Thực tế cho thấy, dù lãi suất điều hành của Mỹ đã giảm nhưng người dân Mỹ vẫn đang phải trả lãi vay khoảng 5-6%/năm và đây là lãi suất vay bằng USD rất cao. Trong khi nền kinh tế ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, EU... đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của Mỹ dự báo sẽ chậm lại ở mức khoảng 2%, tác động không tích cực đến đầu tư, FDI và du lịch. Chưa kể, những biến đổi bất thường của khí hậu cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.
"Lạm phát của Việt Nam hiện xoay quanh khoảng 4%, và nếu kiểm soát tốt hơn, có thể giảm xuống. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, khi Đảng và Nhà nước mong muốn tăng trưởng ở mức 8%, nên có thể lạm phát sẽ tăng lên khoảng 4,5%", TS Lực nói.
Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 ở mức 8%. Ảnh: T.L
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu, với nhiều ngành giữ vị trí hàng đầu như hồ tiêu, cà phê và gạo. Trước đây, người nông dân trồng lúa chỉ đối mặt với cái nghèo, nhưng chỉ trong vài năm gần đây, người nông dân đã có nhiều cơ hội làm giàu khi mà giá bán lúa tươi tăng gấp đôi, từ 4.000 đồng/kg lên tới 8.000 đồng/kg. Dù sản lượng và diện tích trồng lúa không tăng nhưng năm nay chúng ta đã xuất khẩu được 9 triệu tấn lúa gạo, và xác lập con số cao kỷ lục.
Tương tự, với ngành cà phê, chưa bao giờ giá cà phê Robusta cao như bây giờ và cả thế giới ưa thích sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam. Do đó, ngay cả khi đối tác chấp nhận mua với giá cao, nhưng người nông dân vẫn không chịu bán. Thực tế cho thấy, giá cà phê liên tục tăng, có lúc cao điểm lên tới 130.000 đồng/kg, trong khi giá thành chưa tới 40.000 đồng/kg".
Khác với giai đoạn chạy theo thị trường, người nông dân Việt Nam đang điều tiết thị trường, doanh nghiệp chỉ là đơn vị trung gian làm dịch vụ. Để tồn tại, doanh nghiệp phải đầu tư thêm vào sơ chế, chế biến để tạo thêm giá trị gia tăng thay vì chỉ hưởng chênh lệch giá mua – bán.
Doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn gốc hàng hóa
Nhận định về vị thế của nền kinh tế Việt Nam năm 2025, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng rất tích cực trong quan hệ hội nhập quốc tế. Chúng ta đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn nhưng cần nhìn nhận rằng, trong khi cam kết tốt thì việc thực thi vẫn còn hạn chế. Nguồn nhân lực vẫn là một điểm cần cải thiện.
Đặt mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, liệu chúng ta có làm được không? Bàn về vấn đề này, TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế khẳng định: "Dù nền kinh tế trong nước còn đối mặt với nhiều thách thức, tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra nếu có quyết tâm.
Hiện nay, Việt Nam chiếm 1,3% thị phần nhập khẩu toàn cầu, thuộc nhóm 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 tỉ USD, tương đương 80% GDP. Tuy nhiên, đóng góp thực sự của xuất khẩu vào GDP để tạo ra giá trị gia tăng mới chỉ đạt 25%, trong khi 75% còn lại phụ thuộc vào thị trường nội địa".
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, khi ông Donal Trump nhậm chức Tổng thống, các chính sách mới của ông sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự báo, chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ dịch chuyển khi Mỹ thay đổi chính sách, Việt Nam có thể có lợi từ sự dịch chuyển này. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Điều này khiến Mỹ có thể tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn gốc hàng hóa.
Liên quan đến thị trường bất động sản, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, thị trường này hiện mới bước vào giai đoạn phục hồi từ đáy, với giao dịch tăng lên trong năm 2024, đặc biệt là đến quý III, mức tăng đạt trên 6% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn cũng bắt đầu chảy vào lĩnh vực bất động sản, với tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Việc định giá đúng thị trường bất động sản là rất quan trọng. Nhà nước cần sử dụng hiệu quả các công cụ, đặc biệt là thuế, để hướng thị trường phát triển theo quy luật cung cầu.
THÙY LINH