Kinh tế Việt Nam năm 2025: Tăng trưởng GDP 8,3-8,5% tạo thế và lực mới

Kinh tế Việt Nam năm 2025: Tăng trưởng GDP 8,3-8,5% tạo thế và lực mới
6 giờ trướcBài gốc
Các dự án FDI tại Quảng Ngãi đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều động địa phương. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Theo báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tăng trưởng GDP đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất cho giai đoạn 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 đến nay; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6%, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, mức cao nhất trong nửa đầu năm giai đoạn 2021 - 2025.
Chính nhờ những kết quả tích cực này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã nhận định Việt Nam đang đi “ngược chiều gió” khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh trong khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn chật vật phục hồi.
Báo cáo tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025” tổ chức ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP. Hồ Chí Minh 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại, vậy, Việt Nam cần làm gì để không chỉ tăng trưởng nhanh hơn, mà còn bền vững hơn, từng bước vững chắc đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên trong những năm tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là thời điểm mang tính bước ngoặt, đòi hỏi Việt Nam cần đưa ra những quyết sách mang tính đột phá, với tinh thần cải cách mạnh mẽ và hành động dứt khoát hơn nữa.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Việt Nam cần bắt đầu từ một đột phá về tư duy thể chế. Thể chế không chỉ là hệ thống luật pháp và văn bản quy phạm pháp luật, mà còn là tổng hòa các quy tắc chính thức và phi chính thức điều chỉnh hành vi xã hội; đồng thời, trong ngắn hạn, cần tập trung sửa đổi một số luật nền tảng hiện vẫn đang là điểm nghẽn phát triển như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch... để đảm bảo tính bền vững của thể chế, Việt Nam cũng cần phát triển cơ chế phản biện chính sách và giám sát quyền lực một cách hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ đồng hành cùng Quốc hội cần khẩn trương thể chế hóa, ban hành chính sách, giải pháp triển khai nhanh, hiệu quả Bộ tứ trụ cột chiến lược tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các thành phần kinh tế phát triển minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường khả năng ứng phó với biến động toàn cầu, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh vận hành bộ máy hành chính 2 cấp, sắp xếp lại giang sơn, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2025. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng phục hồi chậm, phụ thuộc và có độ trễ so với hoạt động sản xuất.
Tiêu dùng cuối cùng chiếm gần 2/3 GDP của nền kinh tế, là động lực tăng trưởng thường xuyên, lâu dài, có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
“Chính phủ và các địa phương cần nắm bắt xu hướng, tận dụng thời cơ, phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng là giải pháp quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế lượng suy giảm đối với thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau và tìm kiếm giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Mặt khác, Chính phủ cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy năm gần đây luôn ở mức cao; đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo mô hình kinh tế mới ưu việt, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần đổi mới phương thức quản lý nhà nước và tiếp tục cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong quá trình đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng thực thi chính sách. Việc ban hành chính sách hợp lý là điều cần thiết nhưng điều quyết định lại nằm ở cách chính sách đó được thực thi trên thực tế.
Để phát triển kinh tế xanh và bền vững, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, một trong những nội dung Thủ tướng đề nghị đó là: khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, tích hợp, đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trước mắt, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, chất lượng môi trường tại các đô thị lớn…
Do đó, phát triển kinh tế bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương, đổi mới sáng tạo không còn là sự lựa chọn nữa, mà đây là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia muốn phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, xu thế này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, một trong số đó là nguồn lực.
Để giải quyết được thách thức này, đối với một quốc gia hay một doanh nghiệp đơn lẻ không thể giải quyết được, mà phải có sự hợp tác rộng rãi; đặc biệt là sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư. Do đó, cần có sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện các mục tiêu cao cả hơn, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung một cách cởi mở hơn nữa những quy định pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đặc biệt là huy động nguồn lực từ khối tư nhân thông qua hình thức hợp tác công - tư để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Tại Hội nghị “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025”, Chính phủ đã đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%.
“Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thúy Hiền (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-nam-2025-tang-truong-gdp-8385-tao-the-va-luc-moi-20250717171616606.htm