Báo cáo của công ty chứng khoán Shinhan cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Riêng quý II ghi nhận mức tăng trưởng 7,96% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ sản xuất nội địa, tiêu dùng và đầu tư công. Về cơ cấu, trong quý II, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, dịch vụ tăng 8,46%, nông – lâm – ngư nghiệp tăng 3,89%. Ngoài ra, xét theo hướng sử dụng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%, tích lũy tài sản tăng 7,98%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%, trong khi nhập khẩu tăng 16,01%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1%. Ngành chế biến – chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt khi chiếm tới 87,6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, sản xuất xe có động cơ tăng 31,5%, mô tô và xe máy tăng 14,1%. Trong 6 tháng, tổng sản lượng ô tô đạt 226.500 chiếc, tăng 70% nhờ thị trường xe điện nội địa phát triển. VinFast tiêu thụ hơn 67.000 xe điện, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2024.
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch 6 tháng đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD (tăng 18%), nhập khẩu 212,2 tỷ USD (tăng 18,8%), thặng dư thương mại 7,63 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 70,9 tỷ USD. Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh bao gồm điện tử, linh kiện (tăng 26,1%), máy vi tính (tăng 30,4%), hàng dệt may (tăng 9,6%) và giày dép (tăng 8,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% trong 6 tháng đầu năm. Bán lẻ hàng hóa tăng 7,9%, dịch vụ du lịch – lữ hành tăng mạnh 23,2%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 20,7%, đạt khoảng 1,46 triệu lượt trong tháng 6. Việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026 góp phần hỗ trợ tiêu dùng trong nước và thúc đẩy cầu nội địa.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 3,57% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,46%. Trung bình 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,27%, lạm phát cơ bản tăng 3,16%. Một số nhóm có mức tăng giá cao là dịch vụ y tế (12,9%) và nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng (7,2%).
Trong 6 tháng đầu năm 2025, đầu tư công tăng 19,1% so với cùng kỳ và đạt 31,57% kế hoạch năm. Một số địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân cao như Hà Nội (+38%), Bình Dương (+52%), Hưng Yên (+46,3%) và Hải Dương (+117,9%).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký đạt 21,5 tỷ USD, tăng 41,7%. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại nhà nước giữ ở mức 4,68%. Lãi suất cho vay bình quân là 7,75%. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do dao động quanh mức 26.300–26.400, ổn định kể cả sau thông tin Mỹ công bố áp thuế lên hàng hóa Việt Nam từ tháng 7/2025.
Nga Chen