Bốc xếp gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu, minh họa: Đình Huệ/TTXVN
Hoạt động xuất khẩu, đặc biệt ở các mặt hàng như máy tính, điện tử, điện thoại, máy móc và dệt may, ghi nhận sự tăng trưởng khả quan nhờ vào sức mua tích cực từ các thị trường lớn gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Song song với đó, đầu tư công cũng đang tăng trưởng đều đặn, với tỷ lệ giải ngân đạt 73,5% kế hoạch năm tính đến tháng 11, tương đương 22,9 tỷ USD, cao hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, ngành bán lẻ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch COVID-19, dù các ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống và du lịch đã có đóng góp đáng kể, hỗ trợ doanh số bán lẻ tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Một trong những dự án lớn được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế là đường sắt cao tốc trị giá hơn 67 tỷ USD, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt nhằm kết nối giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.
Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11 đánh dấu bước tiến quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ luật này tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn và kiểm toán viên, qua đó cải thiện tính minh bạch, tăng cường giám sát và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu giúp Việt Nam đạt được vị thế thị trường mới nổi vào giai đoạn 2025-2026.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lần lượt 6,5% và 6,1% vào năm 2025. Dự báo này được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu ổn định và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ, bất chấp các biến động kinh tế thế giới và những điều chỉnh về chính sách thương mại.
Cao Thông (t/h)