Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2025 của Việt Nam ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng cao nhất trong các quý I giai đoạn 2020–2025. Tuy vậy, con số này đã chậm lại so với mức tăng 7,55% trong quý IV/2024, phản ánh áp lực từ bối cảnh kinh tế thế giới biến động và đặc biệt là nguy cơ từ chính sách áp thuế thương mại cao của Hoa Kỳ.
Điểm sáng trong quý I là sự đóng góp khá đồng đều từ ba khu vực kinh tế chính. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,53%, ngành lâm nghiệp tăng 6,67% và ngành thủy sản tăng 3,98%. Mức tăng này có được nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng 7,42%, đóng góp 40,17%. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo – trụ cột của tăng trưởng – tăng 9,28%, đóng góp tới 2,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%, trong khi ngành xây dựng tăng 7,99%, cao hơn mức 7,57% của cùng kỳ năm trước. Duy chỉ có ngành khai khoáng là giảm 5,76%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm của GDP.
Nguồn Cục thống kê
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát huy vai trò là động lực trưởng chính, với mức tăng 7,70%, đóng góp lớn nhất vào GDP (53,74%). Trong đó, các ngành có mức tăng đáng kể bao gồm vận tải và kho bãi (tăng 9,90%), lưu trú và ăn uống (tăng 9,31%), bán buôn bán lẻ (tăng 7,47%), tài chính ngân hàng và bảo hiểm (tăng 6,83%), thông tin và truyền thông (tăng 6,66%). Những con số này phản ánh hiệu ứng tích cực từ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cũng như sự hồi phục của ngành du lịch với lượng khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng mạnh.
Về cơ cấu kinh tế quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,56% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,31%; khu vực dịch vụ chiếm 43,44%; còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,69%. Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45%, tích lũy tài sản tăng 7,24%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, trong khi nhập khẩu tăng 12,45%. Tuy xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, sự gia tăng nhanh của nhập khẩu có thể phản ánh nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.
Dù đạt kết quả tích cực trong quý đầu năm, nhưng mức tăng này mới chỉ vượt mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP, và chưa đạt mục tiêu cao hơn đề ra trong Nghị quyết 25/NQ-CP do tác động từ yếu tố toàn cầu như xung đột địa chính trị, bất ổn thương mại và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, tuy xuất khẩu vẫn là động lực then chốt – tăng 10,6% so với cùng kỳ trong quý I và giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Mỹ hơn 27 tỷ USD – nhưng nền kinh tế có thể đối mặt với áp lực lớn nếu chính quyền Mỹ thực sự áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam. Cơ quan thống kê ước tính rằng nếu lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ giảm 10% do mức thuế mới, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể mất đi 0,84 điểm phần trăm. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ít nhất 8% như Chính phủ đề ra, các quý còn lại sẽ phải tăng trưởng từ 8,2% đến 8,4%, một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều rủi ro.
Các ngành như dệt may, da giày, điện tử và smartphone được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – đặc biệt từ các đối tác lớn như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc – cũng hiện hữu.
Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rủi ro nội tại như thiên tai, biến đổi khí hậu, nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước, vẫn trong ngưỡng kiểm soát cho phép.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chính phủ vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 ở mức ít nhất 8%. Để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng trong các quý tiếp theo phải đạt từ 8,2% đến 8,4% – một thách thức không nhỏ trong bối cảnh môi trường toàn cầu biến động mạnh.
Trong khi đó, báo cáo của BMI (Business Monitor International) cảnh báo mức thuế quan mới của Mỹ có thể khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam không đạt mức tăng trưởng kỳ vọng 7,4%, thậm chí có thể giảm tới 3 điểm phần trăm. Điều này đồng nghĩa với việc mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài – vốn là xương sống của nền kinh tế Việt Nam – đang phải đối mặt với thách thức rất lớn, đòi hỏi Việt Nam cần có những điều chỉnh chiến lược kịp thời và linh hoạt hơn trong thời gian tới.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh ở mức 7,7% trong quý 1 năm 2025 (tăng từ mức 7,6% trong quý 4 năm 2024). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm.
Thành An