Kinh tế Việt Nam tăng tốc, dự báo cả năm sẽ đạt mục tiêu 8%

Kinh tế Việt Nam tăng tốc, dự báo cả năm sẽ đạt mục tiêu 8%
3 giờ trướcBài gốc
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm con số tăng trưởng sẽ là 8,42% và cả năm tăng 8%.
Các dự án FDI tại Quảng Ngãi đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều động địa phương. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6/2025 của Cục Thống kê công bố sáng 5/7, các chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu ngân sách Nhà nước… tiếp tục tăng trưởng tích cực, tạo đà cho tăng trưởng cả năm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản Quốc gia, Cục Thống kê cho biết: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước, được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Cục Thống kê cũng chỉ ra, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường bảo hiểm tăng trưởng ổn định, thị trường chứng khoán được cải thiện nhờ nền kinh tế dần hồi phục.
Tính đến thời điểm 26/6/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,30% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).
Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tăng 38,5%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009.
Đối với xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025, tăng 0,48% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 3,57%, với 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Tính chung cả quý II, CPI tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bức tranh kinh tế, nổi bật, lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường vượt số doanh nghiệp rút lui. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường kinh doanh đang được cải thiện, niềm tin doanh nghiệp đang phục hồi, đặc biệt sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được triển khai vào thực tiễn.
6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỉ đồng, tăng 11,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9 tỉ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 là hơn 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 89 % so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù, kinh tế 6 tháng đạt được những kết quả tích cực, nhưng Cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Theo đó, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường sẽ là nguồn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Qua đó, sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của của Việt Nam.
Mặt khác, biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực nên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn, giảm dư địa nới lỏng. Chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Cùng với đó, ở trong nước, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa vững chắc, mặc dù tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức độ còn chậm và chưa đều. Một số ngành như điện tử, dệt, da giầy, chế biến gỗ…vẫn ghi nhận tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng không tăng và cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.
Không những thế, tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý chồng chéo và năng lực thực hiện dự án ở địa phương còn hạn chế.
Tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh, còn tâm lý thận trọng. Người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định. Chi tiêu dùng qua tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tuy tích cực, nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực lan tỏa tới toàn nền kinh tế…
Cần các giải pháp đột phá
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, theo Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Theo đó, Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Cùng với đó, các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (dưới 4,5%); ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, thúc đẩy giải ngân và hiệu quả đầu tư công là động lực quan trọng nhất, cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. "Phải quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước. Đảm bảo giải ngân tối đa hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công mà Thủ tướng đã yêu cầu", bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê cho biết: Cục Thống kê sẽ liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế, khu vực; chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; đảm bảo nguồn cung và mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực (EVFTA, CPTPP, RCEP) để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số nhằm đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP…
Thúy Hiền (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-tang-toc-du-bao-ca-nam-se-dat-muc-tieu-8-20250705182042107.htm