Kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược' - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược' - Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
3 ngày trướcBài gốc
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực.
Nhận diện những "nốt trầm"
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nội tại và bên ngoài.
Đối với nền kinh tế nước ta, các chuyên gia tại HSBC nhận định: “Với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều nốt thăng trầm”.
Về các tác động bên ngoài, có thể thấy kinh tế thế giới đã trải qua một năm nhiều bất ổn, cùng những biến động khó lường.
Căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế - chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế vốn đã phân hóa lại trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là phải xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua, đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi).
Tiếp đó là những “điểm nghẽn” về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các siêu cường; số doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng...
Những "nốt trầm" có thể kể ra, đó là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ “nền kinh tế trung gian". Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ.
Đối với thị trường tiền tệ, dựa vào diễn biến giá thuận lợi hơn đặc biệt là giá dầu và giá hàng hóa, lạm phát đã cho thấy sự điều tiết đáng kể trong những tháng gần đây. Về tỷ giá, cặp tỷ giá USD-VNĐ tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường.
Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong thời gian gần đây do những nhiễu động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác.
Về lãi suất, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay, NHNN đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.
Gam màu sáng vượt trội trong bức tranh chung
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm 2024, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Theo báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố, năm 2024, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2023.
Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong top 10 của thế giới. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỉ USD năm 2025. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, Việt Nam nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Năm 2024, theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu, du lịch và đầu tư.
Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).
Theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14,7%. Xuất khẩu dệt may, giày dép tăng trên 10%. Xuất khẩu thủy sản phục hồi mạnh, tăng trên 10%; rau quả tăng trên 20%.
Hiện Việt Nam là một trong những nước duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch.
Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn với rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đang là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật…
Các "đại bàng" trên thế giới liên tiếp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh với những dự án hàng tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nằm trong nhóm 15 nước hàng đầu và đạt gần 40 tỷ USD.
Đặc biệt, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như NVIDIA đã "cập bến", tạo nên dấu mốc lịch sử, hay như Google cũng lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam...
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, nhưng kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu nổi bật.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực. Thành công của Việt Nam chứng tỏ sự hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Theo Minh Thành/kinhtemoitruong.vn
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-viet-nam-vuot-con-gio-nguoc-tien-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc.html