Do bị các đối tượng giả danh Công an gọi điện đe dọa, N.T.Tr (SN 2003) ở phường Kinh Dinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh, đã nói dối gia đình rằng bản thân bị bắt cóc qua Campuchia, yêu cầu gia đình chuyển 200 triệu đồng để chuộc.
Nạn nhân N.T.Tr trình báo sự việc tại Cơ quan Công an.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đã xác minh N.T.Tr đang ở Ninh Thuận và kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo của các đối tượng qua không gian mạng.
Tại cơ quan Công an, N.T.Tr trình báo, vào ngày 18/1, khi đang ở Ninh Thuận, Tr. bị một số đối tượng gọi điện, tự xưng là Công an nói N.T.Tr có liên quan đến vụ án rửa tiền và yêu cầu phải chứng minh nguồn tiền. Do các đối tượng lừa đảo đọc đúng thông tin căn cước và bị uy hiếp nên N.T.Tr đã chuyển 6 triệu đồng và thực hiện tất cả các yêu cầu như: không thông báo cho gia đình; thuê phòng trọ ở riêng để trao đổi qua zoom...
Khi thấy Tr đã tin tưởng, các đối tượng đã yêu cầu N.T.Tr phải qua Campuchia để thực hiện các thủ tục điều tra và bắt N.T.TR phải nói dối gia đình bị bắt cóc để chuyển 200 triệu đồng.
Qua đây, Cơ quan Công an đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng để nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.
Tiến Quân