Logo Kodak trên quần áo được giới trẻ Hàn Quốc yêu thích. Ảnh minh họa: Hilight Brands.
Giữa những tấm biển rực rỡ trên con phố nhộn nhịp Seongsu-dong (Seoul, Hàn Quốc), khu kho bãi cũ kỹ nay đã trở thành điểm đến thời thượng của Seoul, cửa hàng Kodak Corner Shop với mặt tiền vàng mù tạt nổi bật.
Trong một buổi chiều gần đây, cửa hàng thời trang 2 tầng tại “Brooklyn của Seoul” này tấp nập khách ra vào. Biển hiệu “Share Moments. Share Life” (tạm dịch: "Chia sẻ khoảnh khắc. Chia sẻ cuộc sống"), khẩu hiệu từng được ông lớn ngành nhiếp ảnh giới thiệu cách đây gần 25 năm, được treo trang trọng phía trên lối vào.
Khách hàng say sưa chọn lựa các sản phẩm mang thương hiệu Kodak, như quần short, áo thun, mũ lưỡi trai hay ba lô, váy maxi và sandal.
Erye An (Hàn Quốc), nhiếp ảnh gia phim 27 tuổi, xuất hiện với chiếc túi đeo chéo in logo chữ thập đỏ vàng đặc trưng của Kodak. Cô chia sẻ với The New York Times rằng tủ lạnh ở nhà chất đầy phim của hãng và kimchi, còn cửa hàng này, với cô, gợi lên những gam màu “mộng mơ” của nhiếp ảnh analog và một cảm giác hoài niệm khó tả.
Bạn cô, Lee Young-ji (Hàn Quốc), sinh viên ngành marketing 30 tuổi, lý giải sức hút của cửa hàng rằng "danh tiếng thương hiệu vẫn giữ được chất cảm xúc đặc trưng, đó là lý do nơi này đông đúc đến vậy".
Hãng nhiếp ảnh lấn sân thời trang
Eastman Kodak, từng là gã khổng lồ sánh ngang Apple hay Google, với những quảng cáo đầy cảm xúc khiến bao thế hệ gia đình Mỹ thổn thức. Thế nhưng, khi kỹ thuật số bùng nổ, cũng là công nghệ do chính Kodak khai sinh, công ty đã trượt dài, tụt hậu và phải tuyên bố phá sản năm 2012.
Ngày nay, trụ sở công ty ở Rochester (New York, Mỹ) chỉ còn khoảng 1.300 nhân viên, phần lớn khuôn viên rộng khoảng 5,26 km2 đã bị bán hoặc chuyển nhượng. Tuy vậy, một “đế chế” mới đang lặng lẽ hình thành bên ngoài nước Mỹ, chủ yếu nhờ chiến lược cấp phép thương hiệu (brand licensing).
Cửa hàng Kodak Corner Shop với mặt tiền vàng mù tạt nổi bật trên con phố Seongsu-dong.
Logo Kodak giờ đây xuất hiện trên các mặt hàng thời trang như quần áo, vali, kính mắt, thậm chí cả sơn tường; trên các thiết bị phần cứng như tấm pin mặt trời, đèn pin, máy phát điện; và cả thiết bị nghe nhìn như tivi, máy ghi âm hay ống nhòm.
Ở Hàn Quốc, thương hiệu này đặc biệt bùng nổ với 123 cửa hàng Kodak Apparel, dòng sản phẩm thời trang, và con số vẫn đang tăng. Đáng chú ý, không có cửa hàng nào tại Mỹ.
“Kodak giờ là một thương hiệu thời trang đang lên tại Hàn Quốc. Đây không phải trò đùa Cá tháng Tư", Adrian Tay, biên tập viên của LinkedIn News Asia, viết trong một bài đăng ngày 1/4.
Năm ngoái, hoạt động nhượng quyền thương hiệu mang về cho thương hiệu 20 triệu USD doanh thu, tăng 35% so với năm năm trước. Dẫu con số này nhỏ so với thời đỉnh cao 19 tỷ USD doanh thu năm 1990, nó vẫn cho thấy một chiến lược “hồi sinh” thông minh trong bối cảnh hiện tại.
Hiện phần lớn doanh thu của công ty đến từ in ấn thương mại và vật liệu phục vụ ngành điện ảnh, trong khi mảng cấp phép thương hiệu ngày càng mở rộng với 44 đối tác trên toàn cầu.
“Chúng tôi tin rằng Kodak không chỉ giới hạn ở ‘máy ảnh’ hay ‘phim chụp’", Hyejin Park, đại diện Hilight Brands, chia sẻ qua email.
Thách thức duy trì bản sắc thương hiệu
Sự phát triển của Kodak Apparel trùng hợp với trào lưu nhiếp ảnh phim đang hồi sinh và xu hướng “newtro” tại Hàn Quốc, sự kết hợp giữa phong cách hiện đại (“new”) và hoài cổ (“retro”). Nhiều thương hiệu Mỹ như National Geographic, Discovery, CNN hay thậm chí Lockheed Martin cũng đã được “newtro hóa” tại đây.
Đứng sau thành công của thương hiệu là Hilight Brands, công ty Hàn Quốc chuyên thâu tóm bản quyền các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, nay đã mở rộng mạng lưới Kodak Apparel sang Nhật, Đài Loan, Trung Quốc.
Gần đây, Kodak hợp tác với Mattel để ra mắt máy ảnh và máy in Barbie màu hồng, đồng thời ký thỏa thuận cho phép EssilorLuxottica, tập đoàn sở hữu Ray-Ban và Oakley, sử dụng Kodak vĩnh viễn. Công ty cũng đang cân nhắc mở rộng sang các lĩnh vực như trò chơi điện tử, nhà thông minh và y tế.
Một người trẻ cầm poster của Kodak tại cửa hàng ở Seoul.
Mặc dù chiến lược nhượng quyền giúp thương hiệu trở lại “bản đồ” tiêu dùng toàn cầu, không ít chuyên gia thương hiệu vẫn băn khoăn về ranh giới giữa việc làm mới và đánh mất bản sắc cốt lõi.
Timothy Calkins, giáo sư marketing tại Trường Quản lý Kellogg, Đại học Northwestern (Mỹ), gọi các thỏa thuận cấp phép này là “đáng chú ý” nhưng cho thấy “sự tuyệt vọng”. “Việc này phần nào cho thấy thương hiệu đã sa sút thế nào,” ông nói.
Dẫu vậy, một số ý kiến khác lạc quan hơn. Brad VanAuken, cựu giám đốc marketing của Hallmark Cards và hiện là nhà tư vấn chiến lược thương hiệu gần Rochester cho rằng Kodak biết kể câu chuyện di sản và giá trị của mình trên mỗi sản phẩm, họ vẫn còn cơ hội định vị lại hình ảnh trong lòng khách hàng.
Với cộng đồng người Mỹ gốc Rochester, niềm tự hào về quá khứ vẫn còn nguyên vẹn.
“Tôi có cảm giác như đang chứng kiến một phần quê hương mình sống lại, dù biết những món đồ ấy không còn sản xuất ở Rochester", nhiếp ảnh gia Eric Kunsman xúc động khi bắt gặp người trẻ mặc áo Kodak ở Los Angeles (Mỹ).
Như Phương
Ảnh: Woohae Cho/The New York Times