Cụ thể, theo hãng tin Reuters, với việc sở hữu 3,88% cổ phiếu của Asiana trong ngày 12/12, Korean Air chính thức trở thành tập đoàn mẹ của Asiana, chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.
Korean Air khẳng định việc sáp nhập Asiana sẽ không đồng nghĩa với việc sa thải nhân công. "Nhân công từ cả 2 đơn vị sau sáp nhập được dự báo sẽ tăng trưởng thông qua quá trình mở rộng kinh doanh. Những nhân công bị trùng lặp công việc sẽ được điều chuyển nội bộ trong tập đoàn", Korean Air ra thông báo nêu rõ.
Korean Air đã thành công trong việc sáp nhập đối thủ Asiana về cùng một tập đoàn (Ảnh: Korean Air).
Dự kiến, Asiana sẽ họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 16/1 để thông qua Hội đồng Quản trị mới do Korean Air đề xuất.
Asiana sau đó sẽ tiếp tục là công ty con của Korean Air trong vòng 2 năm tới trước khi cả hai trở thành một đơn vị đồng nhất vẫn giữ tên Korean Air nhưng sẽ có nhận diện thương hiệu mới.
Bên cạnh đó, Korean Air sẽ mở một hãng hàng không giá rẻ và chiến lược sáp nhập Asiana sẽ phục vụ việc mở rộng lịch trình bay trên những tuyến bay trùng lặp, mở thêm các đường bay mới và tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng an toàn bay.
Korean Air cho biết, vụ sáp nhập lần này còn nhằm tăng cường năng lực và mạng lưới kết nối của Sân bay Quốc tế Incheon, sân bay nhộn nhịp thứ 4 trên thế giới về các chuyến bay quốc tế và thứ 5 thế giới về vận tải để cạnh tranh với các cửa ngõ khác ở châu Á như Hong Kong và Singapore.
Ước tính sau khi sáp nhập, tập đoàn Korean Air sẽ phục vụ khoảng hơn 50% toàn bộ hành khách Hàn Quốc và trở thành hãng hàng không lớn thứ 12 trên thế giới, theo phân tích từ dữ liệu của Cirium và OAG.
Đồng thời, Korean Air sẽ cùng với 3 hãng hàng không nhà nước hàng đầu của Trung Quốc, trở thành những tập đoàn lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về doanh thu, theo kết quả tài chính năm 2023.
Dự kiến, chương trình chi tiết trong kế hoạch sáp nhập 2 hãng hàng không sẽ được đệ trình lên Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc vào tháng 6/2025 để xem xét thông qua.
Đây là thương vụ sáp nhập kéo dài nhất giữa 2 hãng hàng không trên toàn thế giới. Thông tin về vụ sáp nhập này được Korean Air công bố từ 4 năm trước trong nỗ lực giải cứu Asiana ngập trong nợ nần do nhu cầu đi lại sụt giảm do dịch Covid-19.
Quá trình sáp nhập Asiana của Korean Air từng bị nhiều đối thủ tìm cách ngáng trở và hãng đã phải chấp thuận những nhượng bộ lớn để thương vụ này diễn ra trơn tru, bao gồm việc chuyển giao một số đường bay và bán bộ phận vận tải của Asiana cho các hãng hàng không khác.
Khánh An