Kpop bước vào giai đoạn khủng hoảng: BTS vắng bóng, doanh số album sụt giảm chóng mặt

Kpop bước vào giai đoạn khủng hoảng: BTS vắng bóng, doanh số album sụt giảm chóng mặt
7 giờ trướcBài gốc
Kpop - một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng lớn nhất mà Hàn Quốc từng tạo dựng đang đứng trước một bước ngoặt đầy thử thách. Những sân khấu rực rỡ, các MV triệu view và fandom cuồng nhiệt từng là bệ phóng khiến cả thế giới phải dõi theo. Nhưng giờ đây, làn sóng Hallyu đang bắt đầu mất đi nhịp đập hưng phấn, thay vào đó là một thực tại đầy lo âu về doanh số, sự mất cân bằng trong ngành và cả niềm tin đang lung lay.
"Nếu mọi thứ cứ tiếp tục như thế này, chỉ còn lại một số ít công ty lớn. Các công ty vừa và nhỏ sẽ rất khó tồn tại. Đây không còn là chuyện đùa nữa", một lãnh đạo cấp cao từ công ty giải trí tầm trung chia sẻ với hãng Hankyoreh.
Doanh số album Kpop đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Sau hơn một thập kỷ bùng nổ, thị trường Kpop đang ghi nhận lần đầu tiên doanh số album giảm sút - một chỉ dấu nghiêm trọng về tình trạng "mất máu" trong một ngành vốn phụ thuộc rất lớn vào người hâm mộ mua album để ủng hộ thần tượng.
Năm 2023, doanh số album Kpop sụt từ hơn 100 triệu bản xuống còn 93 triệu bản - mức giảm gần 19%, một con số gây sốc với bất kỳ nhà đầu tư hay người hâm mộ nào. Tệ hơn, năm 2024 khởi đầu còn ảm đạm hơn, khi chỉ có 4 album đạt được mốc một triệu bản bán ra trong tuần đầu tiên - không một cái tên nào vượt mốc hai triệu. Trong một thị trường từng được xem là "vắt ra vàng" từ đĩa CD vốn đã lỗi thời ở nhiều quốc gia, điều này chẳng khác nào tiếng chuông báo động.
Một trong những lý do lớn nhất để lý giải cho điều này được cho là sự thiếu vắng của các "ông lớn". Khi BTS - nhóm nhạc biểu tượng toàn cầu đang tạm ngưng hoạt động vì nghĩa vụ quân sự, SEVENTEEN cũng đối mặt với làn sóng nhập ngũ. BLACKPINK thì lặng lẽ chuyển mình sang các hoạt động cá nhân, khiến người hâm mộ không khỏi hụt hẫng trước khoảng trống của một nhóm nhạc nữ tầm cỡ.
Sự rút lui của các nhóm dẫn đầu đã để lại khoảng trống mà các nhóm nhạc thế hệ mới vẫn chưa thể lấp đầy. Lim Hee-yoon - một nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng đưa ra nhận định: "Kpop đang thiếu một thế hệ kế thừa đủ sức bứt phá ra khỏi cộng đồng fandom để tiếp cận thị trường đại chúng toàn cầu".
BTS - "ông hoàng" doanh số của Kpop đang vắng mặt trên thị trường do tạm dừng hoạt động để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tình hình càng trở nên u ám khi ngành công nghiệp Kpop phải đối mặt với hàng loạt rắc rối nội bộ. Mâu thuẫn kéo dài giữa HYBE và Min Hee Jin không chỉ khiến NewJeans - một trong những nhóm nhạc nữ triển vọng nhất bị gián đoạn hoạt động, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của HYBE. Cổ phiếu giảm, lợi nhuận tụt dốc, và điều tồi tệ hơn là niềm tin từ người hâm mộ đang bị xói mòn.
Tương tự, Kakao - "ông lớn" sở hữu nhiều công ty giải trí đình đám cũng đang lao đao với loạt bê bối pháp lý, thậm chí còn rộ tin đồn về việc bán lại Kakao Entertainment. Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc chưa từng đối mặt với giai đoạn bất ổn nội bộ sâu sắc đến vậy.
Trước khó khăn trong nước, nhiều công ty hướng đến thị trường quốc tế như một "chiếc phao" cứu sinh. Nhưng liệu thị trường Nhật Bản và Trung Quốc từng là "mỏ vàng" có còn là điểm tựa? Sự sụt giảm nhu cầu, cùng các yếu tố chính trị như lệnh cấm văn hóa Hàn tại Trung Quốc, đang khiến tương lai của Kpop ở hai thị trường này mờ mịt.
Mỹ được coi là "vùng đất hứa" vẫn là thị trường tiềm năng, nhưng cực kỳ khó tính. Không phải thần tượng nào cũng có thể làm được như Jungkook với các bản hit tiếng Anh lọt top Billboard. Việc "quốc tế hóa" Kpop đòi hỏi không chỉ chiến lược marketing mà còn là sự thay đổi trong tư duy âm nhạc và phong cách thể hiện.
Jungkook - em út của BTS đang là nghệ sĩ solo rất tiềm năng tại thị trường quốc tế.
Có lẽ, thay vì nhìn cuộc khủng hoảng như một thảm họa, đây là lúc để ngành công nghiệp Kpop "rũ bỏ ánh kim tuyến" và tái cấu trúc. Kim Yoon-ji, nhà nghiên cứu cấp cao tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, khẳng định: "Chúng ta đang chứng kiến một cú điều chỉnh tất yếu - bong bóng doanh số đang vỡ, và thị trường đang quay về thực tế".
Bà cũng nhấn mạnh việc ngành cần đa dạng hóa nguồn thu không thể chỉ sống dựa vào doanh số album, mà phải mở rộng từ biểu diễn trực tiếp đến IP sáng tạo, phim ảnh, thời trang và công nghệ.
Lim Hee-yoon thì đặt ra một câu hỏi lớn hơn: "Khi fandom không còn đủ để giữ chân Kpop, đâu sẽ là yếu tố quyết định thành công trong tương lai? Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc cách âm nhạc Hàn Quốc có thể giao tiếp thực sự với thế giới".
Kpop đã từng là biểu tượng của khát vọng, sáng tạo và sức trẻ. Giờ đây, khi đối mặt với khủng hoảng, ngành công nghiệp này buộc phải lớn lên. Và trong cái khó, liệu có ló cái khôn? Hay đó sẽ là hồi kết cho một thời đại lấp lánh?
Nhiều đồn đoán cho rằng BLACKPINK sẽ phát hành album mới trong năm nay. Liệu đây sẽ là vị "cứu tinh" giúp Kpop vực dậy tình thế hẩm hiu ở hiện tại?
Bình Nguyên
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/am-nhac/khung-hoang-cua-kpop-bts-vang-bong-doanh-so-album-sut-giam-202504221615308917.html