Chị được đồng nghiệp yêu mến gọi là “sơn ca” của ngành Ngân hàng Gia Lai.
Chị Ksor H’Hoanh được đồng nghiệp yêu mến gọi là “sơn ca” của ngành Ngân hàng Gia Lai. Ảnh: R.P
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc tại phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa), từ nhỏ, chị H’Hoanh đã say mê những làn điệu dân ca Jrai mượt mà, vang vọng trong từng nếp nhà sàn. Những giai điệu ấy thấm sâu vào tâm hồn chị, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ bố mẹ, với khát khao theo đuổi nghệ thuật, chị quyết tâm theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Năm 2000, chị trở thành giáo viên dạy nhạc tại một số trường học trên địa bàn Ayun Pa.
Năm 2003, chị chuyển công tác về Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa, tích cực tham gia phong trào văn hóa-văn nghệ ở địa phương. Chị tham gia nhiều cuộc thi ca hát và để lại dấu ấn đậm nét. Cũng trong năm đó, chị giành giải nhì vòng chung kết khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc Sao Mai. Sau đó, chị tiếp tục góp mặt tại vòng chung kết Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc giải Sao Mai 2003 được tổ chức tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Nhớ lại hành trình tham gia Sao Mai 2003, chị H’Hoanh chia sẻ: “Giữa dàn thí sinh học hành bài bản từ các nhạc viện, tôi là giọng ca duy nhất được đào tạo ở hệ trung cấp âm nhạc. Vì không có thầy hướng dẫn riêng nên tôi không tránh khỏi hồi hộp và có chút lúng túng khi đứng trên sân khấu lớn. Nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, tôi mạnh dạn thể hiện 2 ca khúc “Vòng xoang Gia Rai” và “Cơn mưa nhịp chiêng và nỗi nhớ”.
Cuộc thi đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Sau chương trình này, tôi nhận được một số lời mời làm việc tại đài phát thanh-truyền hình địa phương với vị trí biên tập viên tiếng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tôi quyết định ở lại quê hương, tiếp tục công tác và nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc”.
Năm 2004, chị H’Hoanh chuyển về công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn không từ bỏ niềm đam mê nghệ thuật. Chị duy trì làm cộng tác viên tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng như các sự kiện văn hóa-văn nghệ của ngành Ngân hàng.
Chị Ksor H'Hoanh (thứ 2 từ trái qua) tham gia hội thi văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2024 khu vực IV (ảnh nhân vật cung cấp)
Sở hữu giọng hát giàu cảm xúc và phong cách trình diễn tự tin, lôi cuốn nên chị H’Hoanh để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Các ngân hàng trong khu vực thường mời chị biểu diễn tại hội nghị, chương trình giao lưu. Cũng từ đây, chị được đồng nghiệp yêu mến gọi là “sơn ca” của ngành Ngân hàng Gia Lai.
Không chỉ thể hiện xuất sắc các ca khúc Tây Nguyên, chị H’Hoanh còn hát tốt nhiều dòng nhạc nhẹ hiện đại. Chị đại diện ngành Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia nhiều hội thi văn nghệ và đạt thành tích ấn tượng. Năm 2022, tại hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội khu vực VII, nhờ sự góp sức của chị, đội Gia Lai đạt giải nhất phần thi tài năng văn nghệ. Năm 2024, tại hội thi văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chị đạt giải nhất đơn ca với ca khúc “Ở rừng nhớ anh”.
Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc, năm 2012, chị H’Hoanh cùng chồng quyết định mở quán ăn cơm lam gà nướng Bazan tại làng Chúet 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Quán không chỉ phục vụ thực khách những món ăn đặc trưng của người Jrai mà còn trở thành không gian văn hóa Tây Nguyên đặc sắc.
Với giọng hát truyền cảm, mỗi khi thực khách yêu cầu, chị sẵn sàng thể hiện những làn điệu dân ca Jrai, Bahnar, Xê Đăng. Đặc biệt, vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần, quán tổ chức biểu diễn cồng chiêng, xoang do chính các nghệ nhân làng Chúet 1 trình diễn, mang đến cho thực khách những trải nghiệm văn hóa truyền thống độc đáo.
Ông Ksor Gát-Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi-nhận xét: Quán cơm lam gà nướng của chị H’Hoanh đã tạo việc làm ổn định cho các đội cồng chiêng, xoang cũng như thanh-thiếu niên địa phương qua việc trình diễn nghệ thuật phục vụ thực khách. Hoạt động này không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh niềm đam mê nghệ thuật và kinh doanh, chị H’Hoanh còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
R’Ô PRIN