Giữa lúc các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục tăng cường trấn áp hoạt động lừa đảo của những đường dây trực tuyến xuyên quốc gia ngày càng vươn "vòi bạch tuộc", đặc biệt là dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, theo thống kê của Liên hợp quốc, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khả năng nạn nhân còn lan khắp Châu Á, Châu Phi, Trung Đông và cả Nam Mỹ.
Nằm trong danh sách gần 300 người, mà hơn một nửa trong số này mang quốc tịch Ethiopia, được phía Myanmar giải thoát khỏi 1 trung tâm lừa đảo, đưa qua biên giới tới Thái Lan tháng 02/2025, Seye (27 tuổi) đồng ý trả lời phỏng vấn với điều kiện không nêu đầy đủ tên tuổi. Ngậm ngùi, cô kể: "Chúng tôi kẹt lại trong khu phức hợp lừa đảo khét tiếng ở biên giới Myanmar - Thái Lan, thường xuyên bị ngược đãi và ép buộc lừa tiền các nạn nhân khắp thế giới. Họ chích điện tôi gần như mỗi ngày suốt 9 tháng ròng...".
Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin và nhỏ hơn Seye 3 tuổi, Shazab (người Pakistan) hồ hởi đến Bangkok, Thái Lan mong sớm nhận được công việc phù hợp với mức lương khó thể kiếm nổi ở quê nhà. Nhưng vừa đến nơi, anh đã bị tịch thu cả hộ chiếu lẫn điện thoại rồi bán qua biên giới đến một trung tâm lừa đảo ở Myanmar. Ban đầu, Shazab từ chối làm việc theo yêu cầu của nhóm nên bị đánh đập bằng ống nhựa, dây thừng, đôi khi cả cáp sạc điện thoại, dùng gậy sốc điện trước khi sang tay cho đường dây khác với giá 10.000USD để đưa về làm việc tại một trung tâm lừa đảo tại làng Kyauk Khet, bang Karen, dọc biên giới Thái Lan - Myanmar.
Nạn nhân của các trung tâm lừa đảo được giải cứu chờ ở biên giới Myanmar để vào Thái Lan hôm 12/02/2025. Ảnh: AFP
Không chịu nổi đòn roi, Shazab đành mặc cho số phận và trở thành trưởng nhóm, quản lý 12 thành viên trong khu phức hợp, tiếp tục nhận "chỉ tiêu" lừa 10.000USD mỗi "khách hàng trực tuyến". Nếu không đạt, các thành viên trong nhóm sẽ bị nhốt trong phòng tối, đánh đập 1 tuần, trưởng nhóm được "ưu ái" nhận nhiệm vụ tra tấn người của mình và cũng chịu chung hình phạt nếu không tuân thủ. Trong cơn tuyệt vọng, Shazab đã gửi hàng chục email tới Đại sứ quán Pakistan tại Thái Lan yêu cầu giúp đỡ nhưng không nhận được hồi âm, cho đến khi được Myanmar giải cứu.
Trong số những người được cứu thoát có cả công dân Campuchia, Malaysia, Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Kenya, Uganda, Nigeria... Theo các nạn nhân, họ bị ép phải làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày mà không có lương, thường xuyên bị hành hạ nếu không vâng lời.
Khu phức hợp tại thị trấn biên giới Mae Sot gồm nhiều tòa nhà 2 tầng, với hàng chục băng nhóm. Dù đa số nạn nhân bị ép vào đường dây lừa đảo nhưng cũng có số ít tự nguyện tham gia, kiếm tiền thông qua lừa đảo người khác trong lúc tìm cơ hội quay về. Viện Hòa bình Mỹ (USIP) ước tính những tổ chức này thu về khoản lợi kếch xù, lên tới 63,9 tỉ USD mỗi năm; trong đó Myanmar, Campuchia, Lào chiếm gần 2/3.
Tại Philippines, ngày 20/02 cảnh sát đã đột kích một trung tâm lừa đảo ở thủ đô Manila, bắt giữ hơn 450 người. Nhóm này hoạt động dưới vỏ bọc cá cược thể thao và đầu tư tài chính, chủ yếu nhắm vào nạn nhân ở 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc.
Nạn nhân ở các khu phức hợp lừa đảo may mắn trở về hấu hết đối mặt với chấn thương tâm lý kéo dài, dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, những trường hợp được giải cứu thường gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng, đối diện với "tòa án lương tâm" vì đã tham gia đường dây phạm pháp.
NGUYỄN XUÂN (theo Guardian, Toutiao)