Kỳ 1: Cú lừa đa cấp dẫn đến nội chiến

Kỳ 1: Cú lừa đa cấp dẫn đến nội chiến
5 giờ trướcBài gốc
Trong 5 vụ lừa đảo tài chính đa cấp Ponzi lớn nhất thế giới tính đến đầu thế kỷ này thì trường hợp xảy ra ở Albani năm 1997 được xem là "nguy hiểm nhất" khi trở thành nguyên nhân chính châm ngòi cho cuộc nội chiến ở quốc gia thuộc Nam Âu này, khiến gần 9.000 người thương vong.
Từ miếng mồi của "mô hình Ponzi"...
Đúng vào thời điểm Albani đang trong thời kỳ quá độ chuyển sang kinh tế thị trường từ giai đoạn bao cấp sau nhiều năm bị chi phối bởi chế độ độc tài Enver Hoxha, chỉ vì chính sách sai lầm của chính phủ cùng lòng tham vô đáy của nhiều người đã dẫn đến hậu quả tàn khốc: hơn 2/3 trong tổng số khoảng 3 triệu người dân Albani thời điểm trên sập "bẫy đa cấp Ponzi" vì ham lãi suất cao. Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Sali Berisha lúc ấy đã phê duyệt một số đạo luật không hợp lý, gồm các quỹ đầu tư kim tự tháp Albani (TPP) hoạt động giống như ngân hàng nhưng không có phương án đầu tư cụ thể, chỉ để thu tiền vào và trả lãi. Khi hệ thống tài chính của đất nước này còn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai thì những kế hoạch theo "mô hình Ponzi" hứa trả cho nhà đầu tư mức lợi nhuận khủng.
"Mô hình Ponzi" (Ponzi scheme, còn gọi Trò lừa Ponzi hoặc Kế hoạch Ponzi) được lấy theo tên của trùm lừa đảo Carlo Ponzi (người Mỹ gốc Ý), đối tượng đã thực hiện trót lọt những cú lừa tỷ đô vào thập niên 20 của thế kỷ XX tại Mỹ. Thực chất đây là kế hoạch huy động vốn của người tham gia sau để trả lợi nhuận cho người đầu tư trước. Do bị hấp dẫn bởi lợi tức cao, người cho vay lại giới thiệu những người cho vay mới tiếp theo, cứ thế dòng vốn được luân chuyển liên tục với chiêu câu nhử là tỉ lệ lợi nhuận cao trong khoảng thời gian ngắn, dù vào trước hay sau cũng sẽ chịu chung rủi ro mất vốn và sẽ lộ tẩy nếu tất cả đồng loạt rút tiền.
Người dân Albani xuống đường biểu tình phản đối chính phủ do liên quan đến mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi
Thời điểm trên, do việc kinh doanh gặp không ít khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD/tháng, nên nhiều người dân Albani đã nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư và nhanh chóng trở thành "con mồi" của các công ty tài chính hoạt động kiểu "mô hình Ponzi". Theo đó, có tổng cộng hơn 1 tỷ USD đã được gửi vào các công ty kinh doanh kiểu dịch vụ đa cấp này với mức lãi suất 10% - 25%, thu hút cả giới đầu tư nước ngoài, mà chẳng ngờ đã "gửi trứng cho ác"!
Mất trắng hơn tỷ đôla, người dân Albani đã xuống đường biểu tình, ném đá vào cảnh sát, cáo buộc chính phủ vì "lợi ích nhóm" đã dung túng cho hành vi lừa đảo, đưa đất nước đến bờ vực nội chiến.
... Đến "gửi trứng cho ác"
Luồn lách từ những kẽ hở pháp luật xuất phát từ Đạo luật Ngân hàng ban hành năm 1994, hầu như buông lõng việc giám sát của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 1996 lãi suất của TPP có lúc lên tới 100% do tình trạng "lợi ích nhóm". Giám đốc đầu tiên của TPP là Hajdin Sejdis đã trốn sang Thụy Sĩ, ôm theo hàng triệu đôla cuỗm được của những khách hàng cả tin; tiếp đến là thợ đóng giày Sudja cũng đứng ra thành lập Doanh nghiệp Populli, rồi đến Xhaferri - công ty do 1 chính trị gia được thuê điều hành..., tất cả đã nhanh chóng sụp đổ vào giữa tháng 01/1997 khiến các khoản tiền ky cóp dành dụm cả đời của những người ham lãi suất cao "bay" theo "cú lừa thế kỷ”!
Chính vì thế, khủng hoảng đa cấp mang tính dây chuyền này đã châm ngòi cho cuộc nội chiến dài 10 ngày, bắt đầu từ 01/3/1997 với tổng thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đôla, 3.700 người thiệt mạng và trên 5.000 người bị thương. Ngày 03/3/1997, Tổng thống Albani - Sali Berisha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau những cuộc biểu tình tuyệt thực của sinh viên các trường đại học và những vụ giết người dã man ở miền Nam nước này liên quan đến khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Biểu tình ngày càng lan rộng buộc chính phủ phải huy động quân đội can thiệp và các công ty nước ngoài cũng vội vã sơ tán công dân khỏi Albani. Sau khi được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép sử dụng quân đội để vãn hồi trật tự, ngày 15/4/1997 khoảng 7.000 binh lính đã tham gia Chiến dịch Sunrise Operation, do phía Italia phụ trách, để khôi phục lại trật tự cho Albani.
Là biến tướng của Ponzi, mô hình đa cấp kim tự tháp cũng hoạt động kiểu phân cấp, nhưng cần số người tham gia nhiều hơn để chi trả cho người vào trước. Trên thực tế nhiều thập kỷ trước khi mô hình lừa đảo đa cấp được gán cho cái tên Ponzi, kiểu lừa đảo này đã được một thủ thư là William Miller ở Anh khởi xướng năm 1899, với lãi suất "520%/năm" mà ông ta hứa với các nhà đầu tư và đã lừa được 1 triệu USD (tương đương 25 triệu USD hiện nay).
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (theo Dailymail, Toutiao)
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-cu-lua-da-cap-dan-den-noi-chien_168819.html