Kỳ 1: Đòn bẩy thoát nghèo bền vững

Kỳ 1: Đòn bẩy thoát nghèo bền vững
3 giờ trướcBài gốc
Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW trên địa bàn tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân.
Qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế.
Thu hoạch củ năng ở xã Proh (huyện Đơn Dương)
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, giúp cho việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, nguồn lực và chất lượng tín dụng chính sách.
Trong số 632 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội có 354 tỷ đồng là nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, 260 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách huyện, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 9,4 tỷ đồng (cấp tỉnh 5,4 tỷ đồng, cấp huyện 4 tỷ đồng).
Tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện đạt 5.972 tỷ đồng, với trên 101 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 3.810 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân 10,8%/năm...
Diện mạo nông thôn mới xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương)
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng huy động tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đơn Dương đạt 66,909 tỷ đồng, tăng 7,156 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, huy động qua tổ chức cá nhân đạt 31,185 tỷ đồng, tăng 3,575 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 51,07% kế hoạch giao tăng trưởng; huy động qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đạt 35,724 tỷ đồng, tăng 3,580 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng Tháng gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã huy động 10,921 tỷ đồng/221 lượt khách hàng tham gia gửi tiết kiệm.
Nguồn vốn nhận từ ngân sách địa phương 44,700 tỷ đồng, tăng 7,901 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận từ ngân sách huyện 19,944 tỷ đồng, tăng 3,301 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác từ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện 507 triệu đồng.
Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đơn Dương đến 30/6/2024 đạt 465,901 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng là 6,62%... Lạc Lâm, Pró và Ka Đơn là 3 Điểm giao dịch xã kiểu mẫu được công nhận; 100% Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thực hiện giao dịch qua App Quản lý tín dụng chính sách.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều nông dân ở huyện Đơn Dương đã làm ăn có hiệu quả và đã tích cực gởi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo
Đồng Nai Thương (huyện Cát Tiên) là xã vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang dần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao
Tại huyện Cát Tiên, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/6/2024 là 409,251 tỷ đồng với 5.732 hộ vay, tăng 21,789 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng trên 6,08%) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm là 323,005 tỷ đồng, chiếm 78,92% tổng dư nợ; dư nợ phục vụ đời sống, sinh hoạt, giáo dục đào tạo là 86,245 tỷ đồng, chiếm 21,08% tổng dư nợ.
Dư nợ cân đối từ Trung ương bình quân 73,01 triệu đồng/1 khách hàng; dư nợ nguồn vốn địa phương bình quân 57,39 triệu đồng/1 khách hàng. Dư nợ bình quân tổ hợp tác 62,67 triệu đồng/1 khách hàng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021, giai đoạn 2022 - 2025 (theo chuẩn hộ nghèo đa chiều) từ 2,87% xuống còn 1,09% vào cuối năm 2023 (hộ nghèo người dân tộc thiểu số 2.642 hộ, chiếm tỷ lệ 3,24%); số hộ cận nghèo là 7.433 hộ, chiếm tỷ lệ 2,07% (hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số là 4.483 hộ, chiếm tỷ lệ 5,51%).
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng giúp 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 41 xã nông thôn mới nâng cao, 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng…
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên đã đầu tư sản xuất có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo
Với những kết quả đạt được sau một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội; giúp những người khó khăn phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta…
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại Hà Nội ngày 14/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã đáp ứng khá toàn diện nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần vào việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị xã hội tại địa phương…; đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/ky-1-don-bay-thoat-ngheo-ben-vung-fcd1102/