Kỳ 1: 'Gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon...'

Kỳ 1: 'Gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon...'
5 giờ trướcBài gốc
Tròn 25 năm thành lập (28/12/1999 - 28/12/2024), Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Cơ quan đại diện ngoại giao (Trung đoàn 30), Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an đã lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Một phần tư thế kỉ qua, những chiến sĩ cảnh sát bảo vệ mục tiêu luôn lặng thầm “gác cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon, lấy niềm vui hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của riêng mình”, đúng như lời cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã dạy.
Nhịp điệu lúc nửa đêm
0 giờ 30, con phố Tứ Liên, quận Tây Hồ yên lặng như tờ, chỉ nghe thấy tiếng gió rít qua ô cửa. Thượng úy Nguyễn Chỉnh Huấn, cán bộ thuộc Đại đội 4, Trung đoàn 30 khẽ khàng đánh thức đồng đội trở dậy để lên đường làm nhiệm vụ lúc 1 giờ sáng tại các cơ quan đại diện ngoại giao. Chỉ sau vài phút, các chiến sĩ với quân trang chỉnh tề, nhận công cụ hỗ trợ đã tập trung xuống cổng, chiếc ôtô chở quân lặng lẽ rời doanh trại.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trung đoàn trưởng thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia tập luyện Khối chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động.
Đại đội 4 có trụ sở đóng quân ở ngoài đê Tứ Liên, có nhiệm vụ bảo vệ 9 mục tiêu là các cơ quan đại diện ngoại giao đóng trên địa bàn quận Tây Hồ với 15 vọng gác. Trong đó có nhiều mục tiêu các chiến sĩ phải tác nghiệp độc lập, như Đại sứ quán Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Haiti, Bangladesh,... Bởi vậy, Trung đoàn bố trí một vọng gác có 2 chiến sĩ để đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra.
Tại cơ quan đại diện ngoại giao UAE ở số 20, phố Quảng An, Thượng úy Nguyễn Thế Giáp và chiến sĩ Đào Mạnh Cường vừa nhận ca gác từ 1 giờ đến 3 giờ sáng. Chỗ các anh đứng chỉ cách hồ Tây vài bước chân, gió từ hồ thổi thốc vào mặt, từng nhịp thở bị hơi lạnh đánh bạt đi. Đêm cuối năm, Hà Nội đang trong đợt lạnh tăng cường nên nhiệt độ giảm sâu. Sương đêm trĩu nặng, dù đã mặc cả áo giữ nhiệt, áo bông quân phục, đội mũ bông nhưng các anh vẫn cảm nhận được hơi lạnh se sắt thấm vào cơ thể.
“Nếu ban ngày có xe cộ, người dân đi lại tấp nập thì ban đêm hoàn toàn tĩnh lặng. Nhưng, chúng tôi không cảm thấy cô đơn. Bởi, cũng giờ ấy, tại nhiều điểm gác, đồng đội của chúng tôi cũng đang làm nhiệm vụ”, Thượng úy Giáp chia sẻ. Thiếu tá Đặng Ngọc Nho - Đại đội trưởng Đại đội 4 nói với tôi rằng có lẽ chiến sĩ bảo vệ mục tiêu là số ít cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở Thủ đô phải đội mũ bông của lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ. Và, có lẽ ở đơn vị bảo vệ mục tiêu, chiếc đồng hồ là đồ vật được nhìn nhiều nhất để đảm bảo đúng ca kíp hằng ngày.
Gần 30 năm công tác trong lực lượng CAND, trải qua nhiều vị trí công tác, Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao là vị thủ trưởng dày kinh nghiệm và am hiểu về nhiệm vụ đặc thù của Trung đoàn 30. Anh chia sẻ: “Nhiệm vụ trọng tâm của Trung đoàn là tổ chức lực lượng vũ trang canh gác tuần tra bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu của cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế do Bộ Công an và chính phủ giao. Phạm vi thực hiện nhiệm vụ của Trung đoàn trên 7 quận, 22 phường của Thủ đô Hà Nội có mục tiêu bảo vệ các đại sứ quán. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị luôn tích cực phối hợp với các đơn vị vũ trang và chính quyền địa phương tại cơ sở, đặc biệt là công an các quận, phường, UBND các phường trực tiếp của các mục tiêu bảo vệ”.
Một ngày chia làm 12 ca gác, mỗi ca 2 giờ đồng hồ CBCS đứng tại mục tiêu đảm bảo tư thế lễ tiết tác phong. Họ vừa phải quan sát để nắm bắt tình hình mục tiêu, vừa hướng dẫn khách ra vào cơ quan đại diện ngoại giao. “Mỗi CBCS một ngày đảm nhận 3 ca gác (2 ca ngày và 1 ca đêm). 2 tiếng trôi qua trong sự tập trung cao độ để bảo vệ mục tiêu. Bởi thế, một giấc ngủ đêm trọn vẹn với nhiều người là điều bình thường thì với anh em lại rất xa vời”, giọng Đại tá Dũng bỗng trầm xuống, bởi đã rất nhiều đêm đi kiểm tra công tác trực gác của CBCS nên anh thấu hiểu những vất vả lặng thầm ấy.
CBCS thường thức dậy trước giờ đi gác khoảng nửa tiếng. Gác xong, hành quân về đến đơn vị mất khoảng nửa tiếng nữa, một ca gác thực ra mất đến 3 tiếng đồng hồ. Đồng chí nào gác ca 21-23 thì về phải nhanh chóng đi ngủ lấy lại sức để chuẩn bị cho ca gác tiếp theo từ 5-7 giờ sáng. Vất vả nhất là ca gác 1-3h sáng, khi giấc ngủ vừa đến anh em đã phải trở dậy. Về đến doanh trại, hơi lạnh thấm đẫm cơ thể, chiếc chăn đắp lên người mãi không ấm, CBCS trằn trọc đến sáng không ngủ lại được, bởi đồng hồ sinh học đã lỡ nhịp. Dù thế nào thì 6 giờ sáng họ vẫn phải thức dậy để thực hiện nhiệm vụ ngày tiếp theo.
Giữ an toàn 73 mục tiêu ngoại giao
Ngay từ giai đoạn trước khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác đảm bảo an toàn cho trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội đã đặt ra yêu cầu lớn cấp bách đối với lực lượng CAND. Ngày 24/7/1974, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ đại sứ quán trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ quán trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ngày 21/8/1978, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký Quyết định thành lập Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu trên cơ sở Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ sứ quán. Sau khi ra đời và đi vào hoạt động, sau nhiều lần tách nhập, thay đổi, ngày 28/12/1999, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ, Tổng cục Cảnh sát và ngày 28/12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Trung đoàn.
Cán bộ, chiến sĩ thực hiện quy trình vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu tại Cơ quan đại diện ngoại giao UAE lúc 1 giờ đêm.
25 năm qua, CBCS của Trung đoàn 30 luôn khắc phục khó khăn, vượt nắng lửa, thắng mưa dông để bám vị trí. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã kịp thời phát hiện và giải quyết hiệu quả các tình huống, sự việc phát sinh. Trong năm 2024, Trung đoàn 30 đã đảm bảo tuyệt đối an toàn 73/73 mục tiêu bảo vệ với 119 vọng gác. Xây dựng và thực hiện hiệu quả hơn 130 kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ mục tiêu, tổ chức nhiều lượt CBCS bảo vệ an toàn hơn 273 hội nghị, sự kiện, các buổi chiêu đãi diễn ra tại các trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, nhà riêng đại sứ; 20 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Hướng dẫn cho 100.943 lượt công dân đến liên hệ công tác tại các mục tiêu bảo vệ.
Trung đoàn đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ giải quyết tốt 10 vụ việc xảy ra tại các khu vực mục tiêu. Điển hình, vào lúc 3 giờ 5 phút ngày 5/12/2024, chiến sĩ gác vọng 1 và vọng 2 bảo vệ Cơ quan đại diện ngoại giao Indonesia trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng người Anh dùng gậy tre tác động lên tường rào mục tiêu bảo vệ.
Đêm chung kết trận lượt về AFF Cup 2024 ngày 5/1/2025, trong khi người dân Thủ đô hân hoan niềm vui chiến thắng thì tại các điểm gác, các chiến sĩ vẫn không rời bục gác. Khi trận đấu giữa đội bóng Thái Lan và Việt Nam kết thúc, lượng người đổ ra đường ngày một đông. Đó cũng là lúc Trung đoàn 30 tăng cường quân số để bảo vệ an toàn các mục tiêu, đặc biệt là Đại sứ quán Thái Lan và các đại sứ quán nằm ở các tuyến phố chính có dòng người “đi bão”, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Khắc phục mọi khó khăn
Một ngày 24/24 giờ các chiến sĩ phải bám mục tiêu để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đại diện ngoại giao bất kể nắng mưa, sớm tối. Vào mùa hè, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40oC, hơi nóng từ mặt đường bê tông phả lên hầm hập, kèm theo cả khói bụi và tiếng ồn. Lúc ấy một chiếc quạt máy, chiếc ô trên bục gác không xua bớt được nắng nóng đến ngộp thở. Vậy mà CBCS vẫn bám vị trí 2 tiếng đồng hồ, trang phục loang vết mồ hôi.
Đại úy Đỗ Văn Viết - Bí thư Đoàn cơ sở Trung đoàn 30 chia sẻ với chúng tôi rằng rằng: “Những ngày nắng nóng cao độ, hay những đợt lạnh cắt da thì CBCS Trung đoàn vẫn bám vọng gác. Đồng đội thường tiếp sức cho nhau bằng cốc nước mát để đỡ cơn khát mùa hè, hay chai dầu gió, cốc trà gừng làm ấm cơ thể mùa đông. Đó sẽ là nguồn động viên và hỗ trợ cho đồng đội vượt qua thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Dũng cho biết hiện CBCS của Trung đoàn đều ăn ở tập trung tại nhiều cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội để đảm bảo cho việc hành quân đổi gác thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, ở nhiều địa điểm, việc ăn ở, tập luyện vẫn còn khó khăn. Doanh trại của Đại đội 4 nằm ở ngõ 89 trên phố Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ khá chật hẹp. Đây là nơi ăn ở, làm việc của cả đại đội với quân số hơn một trăm CBCS. Phòng ở của Trung đội 1 thuộc Đại đội 4 khoảng 20 m2 nhưng có đến 7 chiếc giường tầng kê sát nhau đủ cho 14 CBCS ăn ở sinh hoạt. Phòng ở đã chật, nhà ăn cũng chẳng rộng hơn. Bữa ăn ở Đại đội được tổ chức thành nhiều đợt ăn, phần các ca gác nối tiếp nhau, phần vì chẳng đủ chỗ ngồi.
Đây lại là khu vực ngoài đê, nên cứ đến mùa mưa lũ lại lo ngập lụt. Cơn bão Yagi tháng 9/2024 ào đến, sau đó là mưa lụt cả vùng Tứ Liên khiến Đại đội được phen nháo nhào. Nước dâng rất nhanh, điện bị cắt, khu vực doanh trại có nguy cơ bị cô lập, Đại tá Dũng - Trung đoàn trưởng phải đến tận nơi kiểm tra và huy động xe ô tô di dời CBCS về trụ sở Trung đoàn để đảm bảo an toàn. 3 ngày sau, nước rút, anh em trở về doanh trại để dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ. Và, ngay cả trong những ngày vất vả đó, CBCS của Trung đoàn vẫn không rời các mục tiêu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(còn tiếp)
Huyền Châm - Nguyễn Hằng
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/ky-1-gac-cho-dan-vui-choi-thuc-cho-dan-ngu-ngon--i756938/