Kỳ 1: In hình bóng Bác như hình nước non

Kỳ 1: In hình bóng Bác như hình nước non
6 giờ trướcBài gốc
Đền thờ Bác Hồ tại xã Khánh Cư (Yên Khánh)-địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tri ân sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có một mảnh đất, nơi in dấu những bước chân của vị Cha già kính yêu, nơi Người đã gửi gắm bao tình cảm và kỳ vọng. Đó là Ninh Bình. Hình ảnh Bác giản dị, gần gũi nói chuyện thân mật với người dân, cán bộ, đảng viên mãi là những khoảnh khắc đẹp, khắc sâu trong tâm trí người dân Cố đô Hoa Lư.
Vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm
Sinh thời, tuy bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian đi thăm, động viên và làm việc với chính quyền địa phương, bà con nông dân, cán bộ, công nhân các tỉnh, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Trong khoảng 15 năm (1946-1960), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình vinh dự và tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm.
Ngày 13/1/1946, sau khi cách mạng mới thành công, việc nước còn nhiều bề bộn, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt, Bác Hồ đã về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn). Khi gặp Giám mục Lê Hữu Từ, Người nói: “Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà”... Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đồng bào Phát Diệm, Người nói với đồng bào Công giáo: “Đức Chúa hy sinh vì nhân loại, Người vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Kính Chúa nhưng phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã…”. Những lời nói ấy như ngọn lửa thắp lên niềm tin, thôi thúc mọi người đoàn kết, chung sức vì một Việt Nam độc lập.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra cam go, quyết liệt, ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan do Bộ Canh Nông tổ chức. Hội nghị được tổ chức tại nhà ông Quách Đình Hy (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Lạng Phong). Phát biểu với hội nghị, Bác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết toàn dân, đặc biệt là chăm sóc đồng bào tản cư. Bác kêu gọi các tầng lớp nhân dân, từ điền chủ, thương gia đến nông dân, cùng chung tay giúp đỡ những người đã phải rời bỏ quê hương. Bác gửi gắm niềm tin, mong muốn cán bộ, các điền chủ và nhân dân Ninh Bình hết sức cố gắng cho công việc này, sao cho Ninh Bình là một tỉnh kiểu mẫu cho các tỉnh noi theo. Sự quan tâm sâu sắc của Bác đã tiếp thêm động lực cho nhân dân Ninh Bình vượt qua khó khăn, hướng về thắng lợi cuối cùng.
Lần thứ ba vào ngày 15/3/1959, Bác Hồ đã về thăm hỏi, động viên Nhân dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh hăng hái lao động, chống hạn cứu lúa. Cũng trong năm 1959, vào tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị sản xuất vụ đông-xuân tỉnh Ninh Bình. Đây là lần thứ tư Bác về thăm Ninh Bình. Tại hội nghị, Người biểu dương, khen ngợi cán bộ và Nhân dân Ninh Bình có nhiều thành tích trong vụ sản xuất đông-xuân. Người nhắc nhở những công việc trước mắt mà bà con nông dân phải làm và căn dặn Đảng bộ, Nhân dân Ninh Bình: “Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương-giáo. Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Lần thứ năm, ngày 20/7/1960, sau khi thăm một số nông trường quốc doanh ở Nghệ An, Thanh Hóa, trên đường về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến thăm Nông trường Đồng Giao (Tam Điệp). Đây cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Ninh Bình.
Bác Hồ không chỉ 5 lần trực tiếp về thăm Ninh Bình mà còn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến mảnh đất và con người nơi đây. Bác thường xuyên gửi thư thăm hỏi, động viên, khen ngợi những thành tích của đồng bào. Năm 1969, dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn gửi tặng Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ X bức chân dung của mình cùng lời nhắn nhủ sâu sắc: “Khuyên cán bộ một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lời căn dặn của Bác như ngọn đuốc rọi soi, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hình bóng Bác mãi trong tim
Mỗi lần Bác về thăm là một vinh dự to lớn không chỉ đối với riêng địa phương, đơn vị nơi Bác đến mà còn là niềm vui chung, vinh dự lớn lao đối với cả Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Năm tháng trôi qua, câu chuyện Bác về thăm cùng những ký ức hào hùng của lịch sử vẫn lưu truyền như một niềm tự hào của những thế hệ người dân Ninh Bình.
65 năm đã trôi qua, nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người từng được gặp Bác Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Thu, một trong những người dân ở xã Khánh Cư (Yên Khánh) may mắn được gặp Bác, xúc động chia sẻ: “Năm 1959, tôi mới 19 tuổi. Khi được các đồng chí lãnh đạo xã thông báo sáng ngày 15/3, Bác sẽ về thăm Khánh Cư, ai cũng háo hức, phấn khởi và mong chờ được gặp Bác. Gặp Bác, tôi không nghĩ Bác lại giản dị, gần gũi, thân thương đến thế. Bác trực tiếp xắn quần, lội xuống cánh đồng Chằm động viên, thăm hỏi bà con nông dân đang cùng bộ đội làm thủy lợi. Bác động viên, khích lệ mọi người hăng hái lao động quên mình chống hạn cứu lúa và căn dặn đồng bào hãy “cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày cấy hết số diện tích còn lại”…
Những hình ảnh, cử chỉ gần gũi, lời dạy cặn kẽ, chân tình của Bác khiến nhiều người cảm kích, xúc động và lấy đó làm gương để noi theo... Hình ảnh Bác Hồ giản dị trong bộ quần áo kaki, thân mật trò chuyện cùng bà con nông dân Khánh Cư vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Thu. Mỗi khi nhắc về Bác, ánh mắt ông rưng rưng, xúc động.
Ông tâm sự: “Tuổi trẻ, tôi đã được hun đúc lý tưởng cách mạng cao đẹp từ hình ảnh Bác Hồ kính yêu, để từ đó không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên”. Với những người chưa từng gặp Bác, tình yêu và sự kính trọng dành cho Người được truyền lại qua bao thế hệ, qua những trang sử của quê hương.
Ông Hoàng Anh Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạng Phong (Nho Quan) chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe ông bà kể về Bác, về những lời căn dặn của Người tại hội nghị Điền chủ. Bác kêu gọi mọi người phải nêu cao nghĩa đồng bào, tình dân tộc, giúp cho đồng bào tản cư ổn định cuộc sống.
Thông suốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu, các điền chủ nói chung và Nhân dân xã Lạng Phong nói riêng đã giúp đỡ những người tản cư về mọi mặt, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lời căn dặn của Người về nghĩa đồng bào, tình dân tộc không chỉ có ý nghĩa ở thời điểm đó mà còn có sức thuyết phục, lan tỏa đến hôm nay và mai sau.
Đối với những người lính thì điều đó lại càng thấm thía hơn bao giờ hết, để dù trong thời chiến hay thời bình đều phải nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, yêu thương đồng chí, đồng bào, cùng chung sức dựng xây quê hương, kiến thiết nước nhà.
Nông trường quốc doanh Đồng Giao (nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-DOVECO) luôn tự hào và vinh dự được đón Người về thăm hỏi, động viên.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DOVECO tự hào cho biết: Khi đến thăm Nông trường, Bác đi tham quan các đội sản xuất, nhà ăn, nhà trẻ, khu chăn nuôi lợn, bò. Bác gần gũi, giản dị, đầy tình yêu thương với cán bộ, công nhân viên. Đến đâu, Bác cũng vui vẻ hỏi chuyện anh em công nhân và căn dặn phải tích cực sản xuất, phải chọn những cây trồng thích hợp, phù hợp với điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất, xứng đáng với hình mẫu đầu tiên của kinh tế quốc doanh nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Hình ảnh của Bác cùng những lời căn dặn của Người đã được ghi vào lịch sử truyền thống của đơn vị để nhắc nhở các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty khắc ghi. Thế hệ cán bộ chúng tôi sau này hiểu rằng, việc thực hiện lời dạy của Bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự lớn lao.
Lịch sử sẽ mãi ghi nhớ 5 lần Bác Hồ về thăm Ninh Bình. Mỗi lần thăm là một dấu ấn sâu đậm về tình cảm sâu nặng, yêu thương của Người dành cho mảnh đất và con người nơi đây. Từ những lời căn dặn ân cần, những lời động viên ấm áp, Bác đã “truyền lửa” cho Nhân dân Ninh Bình, khơi dậy ý chí quyết tâm xây dựng quê hương.
Những kỷ niệm về Bác mãi là tài sản vô giá, là bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình qua các thế hệ trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Hình ảnh Bác Hồ giản dị, gần gũi vẫn luôn sống mãi trong trái tim người dân Ninh Bình.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/ky-1-in-hinh-bong-bac-nhu-hinh-nuoc-non-159772.htm